Các chất chống oxy hóa và các chất chống viêm (Phần 3)

 

CÁC CHẤT CHỐNG VIÊM

Những rối loạn da do viêm rất phổ biến và thường ở dạng phát ban đi kèm với ngứa và đỏ xuất hiện ở những người có tình trạng mãn tính như viêm da tiết bã, rosacea, viêm da dị ứng và bệnh vẩy nến. Phần này cung cấp một cái nhìn tổng quan về quá trình viêm, đánh giá những phương pháp điều trị tại chỗ cho một số bệnh viêm và trình bày những kỹ thuật chống viêm mới có nguồn gốc thực vật.

Sinh vật học của quá trình viêm da

Viêm da được đặc trưng bởi sưng, nóng, đỏ, đau và ngứa, có thể tồn tại ở dạng cấp hoặc dạng mãn, viêm cấp thường tiến triển dẫn đến tình trạng viêm mãn. Viêm cấp có thể do tiếp xúc với bức xạ UV, bức xạ ion hóa, các chất dị ứng hoặc tiếp xúc với các hóa chất kích ứng (như xà phòng, thuốc nhuộm). Giả sử loại bỏ được các tác nhân kích thích thì dạng viêm này sẽ tự mất đi trong vòng 1-2 tuần mà ít kèm theo sự phá hủy mô. Tuy nhiên, tình trạng viêm mãn có thể kéo dài suốt đời và gây ra những hư hại đáng kể cho da.

Một số hoạt động tế bào và sinh hóa xảy ra trong da để đáp ứng với kích thích (như bức xạ UV, hóa chất hoặc kháng nguyên) và dẫn đến đáp ứng viêm được trình bày trong hình 2. Trong vòng vài phút các tác nhân kích thích tiếp xúc với da, có sự phóng thích nhanh chóng các chất trung gian gây viêm từ các tế bào keratin và các nguyên bào sợi, và từ các neron thần kinh hướng tâm. Các tế bào keratin sản xuất ra một số cytokinin và chemokin gồm có PGE – 2, TNF – α , IL – 1, IL – 6, và IL – 8. Các nguyên bào sợi ở da cũng đáp ứng với các tác nhân kích thích và với IL -1 được sản xuất bởi các tế bào keratin bằng cách gia tăng sự sản xuất và sự tiết của các cytokin gồm có IL – 1, IL – 6, IL – 8, cũng như PGE – 2. PGE – 2 tăng giãn mạch và tính thấm thành mạch, tạo điều kiện cho quá trình mất hạt nhỏ của các tế bào Mast và gia tăng tính nhạy cảm của tận cùng neron thần kinh hướng tâm. Sự tăng giãn mạch và tăng tính thấm thành mạch bởi PGE-2 và histamin dẫn đến tăng dòng máu và sự thoát dịch từ các mạch máu, dẫn đến đỏ và sưng có thể nhìn thấy được. Sự gia tăng sản xuất TNF – α và IL – 1 dẫn đến sự biểu hiện của các phân tử kết dính nội bào như VCAM và ICAM trên các tế bào nội mô mạch máu. Những protein này, cũng như P và E-selectin, hoạt động như cái yếu tố giữ chặt các bạch cầu đơn nhân và bạch cầu trung tính. Sự gắn kết của các bạch cầu với các phân tử bám dính làm chậm chuyển động của chúng qua dòng máu và cuối cùng gây ra sự bám dính của chúng trên thành nội mạc. Khi có sự hiện diện của các chemokine, đặc biệt là IL-8 được sản xuất và phóng thích từ cả các tế bào keratin và các nguyên bào sợi thì các bạch cầu bám dính trải qua hóa hướng động và di chuyển ra khỏi mạch máu vào da nơi chúng thực hiện loại bỏ khu vực các mảnh vụn và cũng sản xuất thêm các chất trung gian gây viêm. Phản ứng cấp tính ban đầu xảy ra trong vài phút sau khi da bị kích thích. Sự di chuyển tiếp theo sau đó của các bạch cầu trung tính và bạch cầu đơn nhân vào vùng tổn thương thường mất 48 giờ. Nếu loại bỏ được tác nhân kích thích, sự sản xuất chất trung gian gây viêm bởi các tế bào keratin, các nguyên bào sợi và các tế bào Mast sẽ dừng lại, dòng chảy của bạch cầu đến vùng tổn thương giảm và phản ứng viêm giảm xuống.

Hình 2. Cơ chế gây ra phản ứng viêm trên da

Ngược lại với viêm cấp, thường có thể tự khỏi trong vòng 1-2 tuần thì viêm mãn hình thành do đáp ứng viêm miễn dịch qua trung gian tế bào trong da và kéo dài. Đáp ứng này liên quan đến các tế bào trình diện kháng nguyên (APC) trong da, gọi là các tế bào Langerhan ở lớp biểu bì và các tế bào đuôi gai (DC) ở trung bì, khi được kích hoạt, vận chuyển các kháng nguyên qua hệ bạch huyết và đi đến các tế bào lympho T nơi kháng nguyên được trình diện. Các tế bào lympho T được hoạt hóa và di chuyển trở lại da nơi chúng tăng sinh và tạo ra một loạt các chất trung gian gây viêm cũng như mạng lưới các enzym ăn mòn (MMP-1, collagenase). Các cytokin được sản xuất bởi các tế bào lympho T có thể kích thích các nguyên bào sợi và các tế bào keratin để sản xuất các cytokin và các chemokin bổ sung, và có thể gây ra sự biểu hiện của một loạt các enzym phá hủy mô bởi các nguyên bào sợi, bao gồm MMP-1 (collagen), MMP – 3 (stomelysin – 1), và MMP – 9 (gelatinase B). Miễn là kháng nguyên hoặc các tác nhân kích thích còn tồn tại trong da thì phản ứng viêm sẽ vẫn diễn ra, dẫn đến sự phá hủy đáng kể và nghiêm trọng các mô.

Quá trình viêm trong da, đặc biệt do tiếp xúc thời gian dài với bức xạ mặt trời gây ra các con đường phân tử làm tăng nhanh quá trình lão hóa. Lão hóa quang hóa hoặc lão hóa do ánh sáng, xảy ra sau khi tiếp xúc kéo dài của da với ánh sáng UV từ mặt trời, dẫn đến gia tăng sản xuất cytokin với sự kích hoạt kèm theo của các gen trong cả các tế bào keratin và các nguyên bào sợi gây ra sự ăn mòn cấu trúc bình thường của da. Các MMP (phá vỡ mạng lưới ngoại bào của da gây ra chảy xệ và nhăn da) được kích thích ở da tiếp xúc với nắng. Hơn nữa, sự tổng hợp nguyên bào sợi của da và sự lắp ráp của collagen cần thiết để duy trì và khôi phục lại mạng lưới ngoại bào cũng bị ức chế khi mà sự sản xuất elastin bị kích thích quá mức, dẫn đến phá vỡ mô elastin.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *