Điểm danh một số chất có hại cho sức khỏe trong mỹ phẩm (phần 1)

Công nghiệp sản xuất mỹ phẩm ngày càng phát triển. Tuy nhiên, nguyên liệu trong các sản phẩm này hầu hết là các chất hóa học có thể ảnh hưởng xấu ít nhiều đến sức khỏe con người nếu dùng ở nồng độ cao trong thời gian dài. Vậy nên cần lưu ý thành phần của các loại mỹ phẩm để cân nhắc trước khi sử dụng cũng như để tránh các tác động có hại của chúng đối với cơ thể. Bài viết dưới đây giới thiệu một số nguyên liệu có hại cho sức khỏe trong mỹ phẩm.

Phthalate

Phthalate là một nhóm các chất có thể phá hủy hệ thống nội tiết gây ảnh hưởng đến sản xuất hormon. Tác động này có thể gây tổn thương thần kinh, sinh sản và sự phát triển. Nghiên cứu của Đại học Maryland đã báo cáo rằng tiếp xúc với phthalat có thể dẫn đến những bất thường trong sinh sản và giảm sản xuất testosteron cũng như khả năng sinh sản của nam giới. Phthalate có thể dẫn đến dậy thì sớm ở bé gái. Một số nghiên cứu cũng cho thấy mối liên quan giữa phthalat với sinh non và bệnh lạc nội mạc tử cung ở phụ nữ. Phthalate còn gây ra những tổn thương và ung thư phổi, gan, thận.

Có thể tìm thấy phthalate ở đâu? Phthalate được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm nhựa dẻo, giúp làm dẻo, giúp các sản phẩm giữ màu sắc và mùi hương tốt hơn. Phthalate đóng vai trò là chất khử mùi trong các các sản phẩm đánh bóng móng tay, son dưỡng. Ngoài ra, phthalate còn được sử dụng trong các sản phẩm khác như dầu bôi trơn, nhựa xe ô tô… Vì vậy, tốt nhất là nên tránh các sản phẩm có mùi hương nhân tạo, thay vào đó nên chọn lựa các sản phẩm từ các tinh chất hay dầu có nguồn gốc thực vật.

Kim loại nặng

Chì trong son môi không phải là thành phần chính, nó chỉ có mặt trong giai đoạn tạo ra màu son. Phần lớn những nguyên liệu tạo màu son đều chứa chì tự nhiên. Một nghiên cứu gần đây của FDA đã thử nghiệm các thương hiệu son môi nổi tiếng và tìm thấy 400 sản phẩm chứa lượng chì lên đến 7,19ppm. Chì là một chất gây độc cho thần kinh, có thể gây sảy thai, giảm khả năng sinh sản và làm chậm giai đoạn dậy thì của nữ giới.

Ngoài chì còn có các kim loại nặng khác như crom hóa trị 6, cadmium đóng vai trò như chất nhuộm màu trong son bóng và phấn mắt. Một trong những kim loại nặng được sử dụng trong mỹ phẩm là arsen – tạp chất trong các thành phần mỹ phẩm như kem dưỡng da mặt, dầu gội và kem nền.

Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) đã báo cáo rằng cardmium và các hợp chất của nó, chì, arsen, crom là các chất gây ung thư cho người nếu hàm lượng vượt quá mức quy định và được sử dụng trong một thời gian dài. Các kim loại nặng có thể tích tụ và gây ra ung thư, tác động xấu đến chức năng của hệ thần kinh, sinh sản, làm suy yếu các cơ quan (gan, thận, tim, phổi…), gây kích ứng và lão hóa da, gây rối loạn nội tiết tố.

Formaldehyde và các chất bảo quản giải phóng formaldehyde

Một số chất hóa học khi bị phân hủy sẽ giải phóng khí formaldehyde – được Bộ Y Tế và Dịch vụ nhân sinh Hoa Kỳ và Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế xếp trong phân nhóm chất gây ung thư – đặc biệt là các chất bảo quản. Các chất bảo quản giải phóng formandehyde được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân như sơn móng tay, phấn mắt, chuốt mi, các sản phẩm dành cho móng tay, dầu gội đầu, sản phẩm má hồng để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Các chất này được sử dụng để giải phóng formaldehyde chậm và liên tục theo thời gian, đóng vai trò như chất bảo quản. Viện quốc gia về sức khỏe và an toàn nghề nghiệp (NIOSH) lo ngại rằng tiếp xúc với formaldehyde có thể gây kích ứng mắt, mũi, họng và hô hấp. Các tiêu chuẩn về mỹ phẩm tại Nhật Bản cấm sử dụng formaldehyd trong mỹ phẩm và Ủy ban Châu Âu hạn chế formaldehyde trong mỹ phẩm không quá 5% trong sản phẩm.

Quaternium – 15 là hợp chất amoni bậc bốn, là một trong những chất bảo quản được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm chuốt mi, phấn dạng nén và kẻ mắt. Bên cạnh khả năng gây ung thư, thành phần này có thể kích ứng và nhạy cảm da. Quaternium – 15 có nhiều công dụng, đóng vai trò như một chất bảo quản, chất hoạt động bề mặt, chất diệt khuẩn và tác nhân cân bằng da. Chọn các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên như hương thảo, mật ong, dầu trà, chiết xuất hạt bưởi và vitamin E.

1,4-dioxan

1,4-dioxan được dùng rộng rãi trong sữa rửa mặt, xà phòng, dầu gội đầu… 1,4 – dioxan là một chất gây ung thư cho người, có thể tồn tại trong môi trường trong một thời gian dài mà không bị mất đi. Bên cạnh đó, 1,4-dioxan còn gây độc cho máu và tim mạch, hệ tiêu hóa, hệ thống miễn dịch, thận, thần kinh, hô hấp và da.

Hợp chất butylat: butylated hydroxyanisole (BHA) và butylated hydroxytoluene (BHT)

BHT và BHA được sử dụng như chất bảo quản trong nhiều sản phẩm. BHA và BHT có thể được sử dụng trong các sản phẩm: kẻ mắt, chuốt mi, son môi, son bóng, má hồng, nước hoa, giữ ẩm, chất tẩy rửa, kem chống hăm, sữa rửa mặt…

Các hóa chất này là các chất gây rối loạn nội tiết, có thể gây dị ứng da và gây độc tính cho các cơ quan, sự phát triển và sự sinh sản. Liên minh Châu Âu nghiêm cấm sử dụng BHA như một chất tạo mùi và Ủy ban Châu Âu về rối loạn nội tiết xếp nó là một trong những chất hàng đầu ảnh hưởng đến chức năng nội tiết. BHT có thể “bắt chước” estrogen, có thể làm mất chức năng hormon ở cả nam và nữ. Trong một số trường hợp, BHT còn thúc đẩy sự phát triển của khối u. Cả BHT và BHA đều có thể tích lũy theo thời gian và gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

  1. Paraben

Paraben là nhóm các hợp chất bảo quản được sử dụng rộng rãi trong mỹ phẩm. Ủy ban Châu Âu về rối loạn nội tiết xếp paraben là một trong những chất hàng đầu gây cản trở chức năng nội tiết tố. Paraben có thể bắt chước tác dụng của estrogen và được tìm thấy trong mô ung thư vú ở người. Paraben cũng có tác động vào hệ sinh sản, hệ thần kinh và hệ miễn dịch. Chính vì những ảnh hưởng xấu của paraben nên một số công ty hiện nay sử dụng phenoxyethanol. Tuy nhiên, gần đây Nhật Bản đã cấm sử dụng phenoxyethanol trong mỹ phẩm và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã đưa ra cảnh báo rằng phenoxyethanol có thể làm suy giảm hệ thần kinh trung ương, gây nôn mửa và tiêu chảy ở trẻ nhỏ. Vì vậy, nên tránh cả paraben và phenoxyethanol trong chăm sóc da.

Các hoạt chất chống nắng hóa học

Các hoạt chất chống nắng hóa học sử dụng phổ biến như avobenzone, benzophenone-3, para amino benzoic acid (PABA), acid octyl-dimethyl-para-amino-benzoic… có thể gây rối loạn nội tiết và rối loạn tuyến giáp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *