Điểm danh một số chất có hại cho sức khỏe trong mỹ phẩm (phần 2) Tháng Mười Hai 5, 2017RD Công nghiệp sản xuất mỹ phẩm ngày càng phát triển. Tuy nhiên, nguyên liệu trong các sản phẩm này hầu hết là các chất hóa học có thể ảnh hưởng xấu ít nhiều đến sức khỏe con người nếu dùng ở nồng độ cao trong thời gian dài. Vậy nên cần lưu ý thành phần của các loại mỹ phẩm để cân nhắc trước khi sử dụng cũng như để tránh các tác động có hại của chúng đối với cơ thể. Bài viết dưới đây giới thiệu một số nguyên liệu có hại cho sức khỏe trong mỹ phẩm. p-phenylenediamine p – phenylenediamine có nguồn gốc từ than đá, là thành phần của các sản phẩm tóc và thuốc nhuộm. Nó gây hại cho da và hệ thống miễn dịch. Muội than Muội than được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm kẻ mắt, chuốc mi, phấn mắt… có thể gây ung thư và độc tính các cơ quan trong cơ thể. Siloxane Siloxane được sử dụng trong mỹ phẩm để làm mềm, mịn và làm ẩm, gây phá vỡ hệ thống nội tiết và gây độc cho hệ thống sinh sản. Phenacetin Phenacetin từng được dùng để giảm đau và hạ sốt nhưng đến năm 1983 FDA đã cấm sử dụng vì phenacetin có thể gây ung thư cho người sử dụng. Mặc dù không còn được sử dụng như một hoạt chất trong điều trị bệnh nhưng phenacetin vẫn được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân với vai trò như một chất ổn định trong thuốc tẩy lông mặt, tẩy tóc và thuốc làm rụng lông. Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) xác định phenacetin là chất gây ung thư. Phenacetin cũng có thể gây tổn thương thận, thiếu máu. Tiếp xúc với phenacetin cũng có nguy cơ gây khối u vú ác tính. Nhựa than đá (coal tar) Nhựa than đá là một sản phẩm phụ được chế biến từ than. Nó được sử dụng trong thuốc nhuộm tóc, dầu gội đầu, điều trị gàu và vảy nến. Nhựa than đá là hỗn hợp phức tạp có chứa các chất gây ung thư như các hydrocarbon thơm đa vòng và benzo [a] pyren. Các hydrocarbon thơm đa vòng làm hỏng ADN, gây khối u phổi, bàng quang và da. Ngoài ra, các hydrocarbon thơm đa vòng còn có thể gây ra độc tính không gây ung thư như độc tính cho sự phát triển và sinh sản. IARC xếp nhựa than đá vào nhóm gây ung thư phổi, bàng quang, thận và đường tiêu hóa. Ủy ban Châu Âu nghiêm cấm sử dụng than đá trong mỹ phẩm. Benzen Benzen có nguồn gốc từ nhựa than đá. Benzen được sử dụng trong sản xuất chất dẻo và chất tẩy rửa, thỉnh thoảng còn được dùng trong sản phẩm dưỡng tóc và tạo kiểu tóc. IARC xếp benzen vào nhóm gây ung thư cho người. Ngoài ra, benzen cũng là chất gây rối loạn nội tiết và dẫn đến các bệnh bạch cầu. Benzen có thể gây ảnh hưởng xấu đến mắt, da, hệ hô hấp, máu, hệ thần kinh trung ương và tủy xương. Ủy ban Châu Âu nghiêm cấm sử dụng benzen trong mỹ phẩm. Dầu khoáng Dầu khoáng có nguồn gốc từ dầu thô, chứa một lượng đáng kể các hydrocarbon thơm đa vòng. Các loại dầu khoáng được sử dụng phổ biến trong một số sản phẩm chăm sóc cá nhân như phấn mắt, kem dưỡng ẩm, son bóng, son môi, dung dịch cân bằng, thuốc nhuộm tóc, thuốc tẩy tóc, gel tạo kiểu tóc, kem che khuyết điểm… IARC cũng xếp dầu khoáng vào nhóm chất gây ung thư, làm suy giảm chức năng gan và hệ thống miễn dịch, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản. Silica (silic dioxide) Silica có 2 dạng: dạng tinh thể và dạng vô định hình. Silica tinh thể được dùng rộng rãi trong các sản phẩm như son môi, son bóng, phấn mắt, kẻ mắt, kem nền, kem chống nắng, kem dưỡng da và dầu gội đầu. Silica tinh thể là một trong những chất gây ô nhiễm không khí và xâm nhập vào phổi khi hít phải. IARC xếp nó vào nhóm chất gây ung thư. Đồng thời, nó có thể gây một số vấn đề ở mắt và hệ hô hấp, Talc Talc có dạng bột mịn thu được từ các loại đá hay khoáng. Talc được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm phấn cho trẻ nhỏ, phấn nền, phấn phủ… Tuy nhiên, talc lại gây ra các bệnh về phổi, ung thư phổi và ung thư buồng trứng. Theo thống kê từ năm 1980, hàng năm số trẻ bị tử vong hoặc mắc bệnh nặng sau khi hít phải phấn em bé chứa talc lên đến hàng ngàn trẻ nhỏ. Triclosan Triclosan là một hoạt chất sát khuẩn, được sử dụng nhiều trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân như các sản phẩm khử mùi, nước súc miệng, kem đánh răng, xà phóng, sữa rửa mặt, nước rửa tay… Ở nồng độ cho phép, triclosan có thể phát huy tác đụng sát khuẩn cực tốt. Tuy nhiên, nếu dùng trong một thời gian dài với hàm lượng cao thì triclosan có thể tích tụ gây ung thư, vi khuẩn trở nên kháng thuốc, rối loạn nội tiết tố (đặc biệt là các nội tiết tố ở tuyến giáp), làm tổn thương các cơ quan như gan, thận, tim và ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của tuyến vú. Triethanolamine (TEA) TEA được dùng để điều chỉnh pH, ổn định bọt của mỹ phẩm. TEA có thể gây khô da, khô tóc, gây kích ứng mắt… Diethanolamine (DEA) DEA được dùng nhiều trong dầu gội đầu xà phòng. Một số báo cáo đã cho thấy DEA có thể tác động đến quá trình phát triển não bộ của thai nhi khi tiếp xúc nhiều. Bên cạnh đó, DEA còn tăng khả năng mắc ung thư gan và bướu ống thận. Propylen glycol Propylen glycol được dùng nhiều trong các sản phẩm chăm sóc da, tóc, trang điểm… Tuy nhiên, thành phần này làm thay đổi cấu trúc da, có thể gây viêm da, kích ứng da. Liên quan đến các vấn đề về gan và thận. Sodium lauryl sulfate (SLS) và Sodium laureth sulfate (SLES) Đây là 2 chất diện hoạt có trong hầu hết các sản phẩm như dầu gội, sữa rửa mặt, chuốc mi, sữa tắm… SLS có thể gây kích ứng da, mắt và kích ứng đường hô hấp. Nó có thể tác dụng với các chất hóa học khác tọa thành nitrosiamine – có thể gây ung thư và gây các bệnh về thận, hô hấp.