Một số công thức bào chế kem nền cơ bản (Phần 1)

Dạng nhũ tương

Sản phẩm nền nhũ tương dạng lỏng hoặc dạng kem được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, trong đó dạng lỏng thì rất phổ biến ở Mỹ. Nền nhũ tương có thể là kiểu dầu trong nước hoặc nước trong dầu với phẩm màu, chất phân tán và chất hỗ trợ tạo nhũ tương nằm trong pha ngoại. Các chất giữ ẩm tự nhiên hay tổng hợp được thêm vào pha dầu để tạo độ trơn và độ bám phù hợp cho sản phẩm trong quá trình sử dụng, đồng thời đóng vai trò như chất nền cho phẩm màu và chất làm đầy trong công thức.

Hàm lượng phẩm màu sử dụng trong kem nền dạng nhũ tương từ 10-16%, trong đó hàm lượng titanium dioxid sẽ quyết định độ che phủ cho sản phẩm. Hàm lượng titanium dioxid trong kem nền có tone màu sáng hoặc trung bình là giống nhau nhưng với tone màu tối thì ít hơn vì talc thường gây hiện tượng “trắng bệt” sau khi thoa. Talc hay những chất độn khác sẽ được nghiền mịn để đảm bảo độ phân tán tốt nhất, đồng thời được sử dụng để duy trì hàm lượng thành phần khô ở mức cố định vì phẩm màu sẽ dùng để điều chỉnh màu cho sản phẩm. Chất độn chuyên dụng được thêm vào để cải thiện cảm giác khi thoa hoặc tạo hiệu ứng khuếch tán ánh sáng như chuỗi những hạt silica hình cầu hoặc titanium dioxid được bao bọc. Một lượng nhỏ chất hấp thụ như nylon hoặc fumed silica trong pha nước hoặc pha dầu sẽ cải thiện lớp nền nhờ vào khả năng hấp thụ bã nhờn trên da.

Nhũ tương dầu trong nước

Nhũ tương D/N dạng anionic (thường có phân tử bề mặt tích điện âm) sẽ dễ bào chế hơn dạng cationic hoặc nonionic. Nhiều phẩm màu và chất độn mang điện tích âm ở pH gần 7, vì vậy trong hệ anionic, lực đẩy lẫn nhau giữa các hạt dầu, phẩm màu và gum sẽ giữ cho hệ ổn định trong suốt thời gian bảo quản và sử dụng. Kem nền dạng cationic được bào chế bằng cách phân tán các hạt màu vào trong nước và từ từ điều chỉnh pH đến giá trị thấp hơn điểm đẳng điện của những phẩm màu này. Khi hạt màu đạt đến điểm đẳng điện, sự kết tụ sẽ diễn ra do lực đẩy tĩnh điện bị suy giảm. Tại một pH cố định thấp hơn 5, phẩm màu và chất độn tích điện dương và phân tán trở lại. Một khi đạt được sự phân tán ở pH thấp, chất nhũ hóa cationic có thể được thêm vào hệ để tạo thành nhũ tương mà không gây ra sự kết tụ nào.

Vì kem nền là sản phẩm khi sử dụng sẽ lưu lại trên da, dùng mỗi ngày, chất nhũ hóa trong công thức phải thật dịu nhẹ với nồng độ thấp nhất có hiệu lực để tránh gây quá mẫn hay kích ứng da. Những thành phần khác và chất nhũ hóa nên có một ít mùi hương để hạn chế việc sử dụng thêm hương liệu. Sự kết hợp chất diện hoạt anionic và nonionic thường cho độ ổn định tốt nhất mà lượng chất nhũ hóa sử dụng thấp nhất. Thêm vào đó, những nguyên liệu dạng sáp tạo được mạng lưới tinh thể lỏng như alcol béo, glyceryl ester hay acid béo thừa đóng vai trò như chất nhũ hóa thứ cấp, giúp ổn định hệ và điều chỉnh độ nhớt. Trong nhiều năm, hệ xà phòng chứa triethanolamine (TEA) stearate, isostearate hoặc oleate được sử dụng như chất nhũ hóa sơ cấp trong nền của hơn 90% kem nền dạng nhũ tương trên thị trường. Vì nỗi lo ngại khả năng gây ung thư của một số amin, một số nhà bào chế không sử dụng amin mà thay bằng xà phòng kali hoặc phosphate trung hòa bằng kali hydroxid ít tan, ít hiệu quả hơn để làm chất nhũ hóa sơ cấp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *