Vitamin E – thành phần chống oxy hóa hiệu quả Tháng Một 9, 2018Tháng Một 10, 2018RD 1. Vai trò vitamin E trong việc chống oxy hóa Vitamin E là tên gọi chung cho tập hợp các tocopherol có hoạt tính sinh học tương tự như d α-tocopherol. Hình 1. Cầu trúc vitamin E Vitamin E là thành phần chống oxy hóa tự nhiên quan trọng nhất. Nhờ cấu trúc đặc biệt (phenolic hydroxy), vitamin E có khả năng làm sạch (bắt giữ, trung hòa) các peroxid lipid và nguyên tử oxy hoạt động giúp bảo vệ màng tế bào khỏi tổn thương do gốc peroxid. Do bản chất thân dầu nên Vitamin E có khả năng liên kết với lớp màng, giúp bảo vệ lipid màng tế bào bằng cách thu nhặt các gốc tự do peroxyd lipid (sản phẩm của quá trình oxy hóa các acid béo không no hiện diện lớp phospolipid màng), thành phần này phản ứng, gây thiệt hại đến cấu trúc, chức năng sinh lý của màng. Vitamin E cũng xuất hiện nhiều ở lớp sừng, hoạt động như tấm chắn bảo vệ làn da khỏi tác động của gốc tự do sinh ra bởi tác động của tia UV. Sau khi trung hòa các gốc tự do, vitamin E cũng trở thành gốc tự do nhưng nó nhanh chóng được tái tạo lại bởi vitamin C, glutathion và ubiquinol (coenzym Q10) trong cơ thể. Khả năng chống oxy hóa của vitamin E có thể được bổ sung và liên kết với hệ thống chống oxy hóa enzym và không enzym trong cơ thể. 2. Vitamin E trong các sản phẩm chống oxy hóa Trong lĩnh vực bào chế mỹ phẩm, vitamin E hòa tan trong alcohol (dl hoặc d α-tocopherol) dễ bị oxy hóa, vì vậy nó được thay thế bằng dạng ester nhằm tăng tính ổn định cho sản phẩm như: dl hoặc d α-tocopheryl – acetat, linoleat, succinat hoặc nicotinat. Trong đó, dạng vitamin E acetat được sử dụng phổ biến nhất trong các loại mỹ phẩm chăm sóc và bảo vệ da do tính hiệu quả cao, độ ổn định cao, tương thích tốt và chi phí sản xuất thấp. Nó thường được dùng với nồng độ từ 1-10%, ở nồng độ 5% cho hiệu quả trên da tốt nhất. Với vitamin E, dạng dùng và nồng độ sử dụng phụ vào hiệu quả tác động mong muốn của nhà sản xuất. Khi dùng trên da, dạng vitamin E tan trong cồn và vitamin E acetat sẽ được hấp thu trực tiếp qua lớp biểu bì và nang lông trong 6-24 giờ để đi đến lớp trung và hạ bì. Tại đây, cơ thể sẽ chuyển đổi thành dạng hoạt tính α-tocopherol. Trong quá trình sản xuất mỹ phẩm, vitamin E được thêm vào hỗn hợp ở nhiệt độ nhỏ hơn 40 oC, vì ở mức nhiệt độ cao hơn sẽ làm mất màu vitamin E. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, sử dụng vitamin E trong chế phẩm chăm sóc da với nồng độ từ 1% trở lên sẽ hiệu quả trong việc bảo vệ da khỏi tổn thương sớm khi tiếp xúc với tia UV. Bên cạnh đó, hiện tượng kích ứng da gây ra do tia UVB cũng giảm khi sử dụng vitamin E acetat, cả sau khi da đã tiếp xúc UVB. Dưới tác động của tia UV từ ánh sáng mặt trời, hàm lượng vitamin E sẽ giảm dần, sự có mặt của vitamin C và coenzym Q10 giúp làm giảm đi mức độ oxy hóa vitamin C. Bên cạnh khả năng chống oxy hóa, bảo vệ da khỏi tác động của tia UV, vitamin E còn có tác dụng chống viêm, giữ ẩm, dịu da, ngăn ngừa xuất hiện nếp nhăn và cải thiện vi tuần hoàn.