VITAMIN B9 (ACID FOLIC)

Cơ thể dự trữ vitamin B9 thấp (khoảng 5-10mg), khoảng một nửa trong số đó dự trữ ở gan. Một khẩu phần ăn với folat thấp sẽ gây ra các dấu hiệu thiếu vitamin B9 trong 2-3 tuần. Phần lớn folat hấp thu từ chế độ ăn được chuyển hóa thành dạng có hoạt tính-tetrahydrofolat (THF).

Công thức cấu tạo vitamin B9

1. Chức năng

Tăng trưởng tế bào

Các coenzym chứa folat cần thiết cho quá trình tổng hợp ADN và ARN trong quá trình phát triển và phân chia tế bào. Do đó, các tế bào chết nhanh chóng được thay thế bởi các tế bào mới (như các tế bào máu và các tế bào lót ở đường tiêu hóa) và quá trình tái tạo này đặc biệt phụ thuộc vào folat.

Chuyển hóa protein

Folat đóng vai trò trung tâm trong sự quá trình chuyển đôi giữa các acid amin (như khử độc homocystein thành methionin) và quá trình tổng hợp các protein cấu trúc và protein chức năng.

Sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi

Folat đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển bình thường của thai nhi, đặc biệt là trong sự hình thành hệ thần kinh trung ương.

2. Nguy cơ thiếu vitamin B9

  • Thiếu folat là trường hợp thiếu vitamin phổ biến nhất. Các chế độ ăn được chế biến sẵn hiện nay có hàm lượng folat thấp và hầu hết mọi người bổ sung không đủ folat từ chế độ ăn, đặc biệt là rau củ và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Nhiều thuốc thông dụng làm giảm folat gồm: aspirin, antacid, thuốc ngừa thai dạng uống và kháng sinh.
  • Hút thuốc làm giảm folat của cơ thể.
  • Nhiều bệnh mãn tính làm tăng nhu cầu folat như bệnh vẩy nến, thiếu máu, nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm trùng hô hấp và ung thư. Ngoài ra, nhu cầu folat cũng tăng lên do sốt, chấn thương, phẫu thuật hoặc bỏng. Bệnh gan cũng ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa folat và làm tăng bài tiết folat.
  • Nhu cầu folat tăng ở phụ nữ mang thai, trẻ em và tuổi thanh niên. Hầu hết phụ nữ mang thai đều thiếu folat trong suốt nửa cuối thai kỳ.
  • Uống nhiều rượu sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thu, làm giảm chuyển đổi vitamin B9 thành THF và tăng bài tiết.
  • Thiếu vitamin C làm giảm folat dự trữ. Thiếu vitamin B12 cũng làm giảm chuyển hóa folat và gây ra những dấu hiệu thiếu folat.
  1. Dấu hiệu và triệu chứng thiếu vitamin B9
  • Giảm tăng tưởng tế bào trong đường tiêu hóa làm viêm và thưa mô ở miệng, dạ dày và ruột. Do đó, làm giảm hấp thu các chất dinh dưỡng, tiêu chảy, đau lưỡi, chán ăn và sụt cân.
  • Thiếu máu kèm các triệu chứng mệt mỏi, yếu, thở ngắn và giảm khả năng tập trung. Ngoài ra, thiếu vitamin B9 còn làm giảm sản xuất tiểu cầu do đó làm tăng nguy cơ chảy máu bất thường.
  • Làm suy yếu quá trình phát triển của tế bào bạch cầu, do đó làm giảm phản ứng miễn dịch với nhiễm trùng và/hoặc ung thư.
  • Cáu kỉnh, có thái độ chống đối, hay quên, hoang tưởng và trầm cảm.
  • Quá trình tăng trưởng và phát triển của thai nhi bị suy giảm, dị tật bẩm sinh.

3. Nguồn thực phẩm chứa vitamin B9 dồi dào

Bảng các thực phẩm giàu vitamin B9

Thực phẩm

Khẩu phần

μg

Mầm lúa mì 100g 270
Đậu thận (đậu tây) 100g 250
Cải bó xôi 100g 134
Gan bê 100g 108
Bông cải xanh 100g 105
Trứng 1 quả, cỡ vừa 100
Đậu nành 100g 95
Men bia 10g 92
Củ cải đường (beets) 100g 75

Folat rất dễ bị phá hủy trong quá trình chế biến, bảo quản và khâu chuẩn bị thức ăn. Ví dụ, 50-90% folat trong nhiều loại rau bị mất đi khi nấu ăn trong thời gian dài.

4. Nhu cầu khuyến nghị vitamin B9

Bảng nhu cầu vitamin B9 được khuyến nghị (μg)

Dự phòng thiếu

UK RNI* (1991) USA DRI** (1998)
Nam giới trưởng thành 200 400
Nữ giới trưởng thành*** 200 400

Liều điều trị

Pauling (1986) Werbach (1990/99)
Nam giới trưởng thành 400-800 400-75000
Nữ giới trưởng thành*** 400-800 400-75000

*RNI: recommended nutrient intakes: nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị.

**DRI: dietary reference intakes: chế độ ăn uống tham khảo.

***Không bao gồm phụ nữ mang thai và cho con bú.

5. Sử dụng vitamin B9

Dị tật bẩm sinh

Bổ sung folat (400μg/ngày) trong những tuần thụ thai và trong thời kỳ đầu mang thai có thể giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh, đặc biệt là các khuyết tật cột sống (khuyết tật ống thần kinh), sứt môi và hở hàm ếch.

Xơ vữa động mạch

Homocystein máu tăng cao là một yếu tố nguy cơ quan trọng gây bệnh tim. Bổ sung folat có thể làm giảm mức homocystein trong máu. Ngoài ra, việc bổ sung folat có thể giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ và bệnh mạch máu ngoại vi), đặc biệt là ở những người có mức homocystein tăng cao.

Rối loạn tâm thần/thần kinh

Trầm cảm, cáu kỉnh và giảm tập trung có thể là kết quả của thiếu folat mức độ nhẹ và việc bổ sung folat trong trường hợp này có thể mang lại hiệu quả. Folat có thể có hiệu quả trong việc bổ trợ lithi trong điều trị bệnh hưng-trầm cảm. Triệu chứng mất trí ở người lớn tuổi có thể được cải thiện bằng việc bổ sung vitamin B9.

Nhiễm trùng

Do thiếu hụt folat làm suy giảm hệ thống miễn dịch nên việc bổ sung có thể làm tăng khả năng đề kháng với nhiễm trùng ở những người có lượng dự trữ folat thấp.

Ung thư

Folat cùng với vitamin A có thể làm giảm nguy cơ tiến triển loạn sản cổ tử cung thành ung thư cổ tử cung. Folat cùng với vitamin B12 có thể làm giảm loạn sản phổi ở những người hút thuốc lá và giảm nguy cơ ung thư phổi. Bổ sung folat có thể làm giảm nguy cơ ung thư đại tràng ở những người bị viêm ruột.

6. Độc tính

Vitamin B9 không độc hại, thậm chí ở liều rất cao. Tuy nhiên, sử dụng liều cao ở những người bị chứng động kinh có thể gây đối kháng lại hoạt tính của thuốc chống co giật và gây co giật. Những dấu hiệu thiếu hụt folat tương tự những dấu hiệu thiếu hụt vitamin B12. Mặc dù những dấu hiệu về mặt huyết học do thiếu vitamin B12 đáp ứng với điều trị bằng vitamin B9 nhưng những khiếm khuyết thần kinh do thiếu vitamin B12 thì lại không có đáp ứng đó. Vì vậy, bổ sung folat có thể che lấp dấu hiệu thiếu hụt vitamin B12, từ đó các tổn thương thần kinh do thiếu hụt vitamin B12 có thể tiến triển đến giai đoạn không thể phục hồi. Khi nghi ngờ thiếu hụt folat thì tình trạng vitamin B12 cũng cần được xác định. Nếu có nghi ngờ thì nên kết hợp bổ sung cả vitamin B9 và B12.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *