Tìm hiểu về dịch sơn móng Tháng Mười 13, 2017Tháng Mười 13, 2017RD I. SINH LÝ MÓNG Tương tự như tóc, móng cũng là dạng biến đổi của biểu bì, chứa thành phần chính là keratin (một loại protein). Móng giúp bảo vệ đầu mút tận cùng của ngón tay và chân. Các móng khỏe mạnh thường dài thêm khoảng 3mm mỗi tháng. Hình dạng và kích thước của móng rất đa dạng, có thể là dày, mỏng, dài, ngắn, lớn, bé, phẳng hoặc uốn cong tùy cơ địa mỗi người. Độ cứng của móng tùy thuộc vào hàm lượng nước bên trong đĩa móng và cấu trúc lớp keratin. Nhìn chung, móng trẻ em sẽ mềm và có tính đàn hồi cao hơn người lớn. Dịch sơn móng được sản xuất nhằm bảo vệ móng và giúp chúng trở nên cuốn hút hơn. II. DỊCH SƠN MÓNG Xét về thành phần, dịch sơn móng trên thị trường hiện nay chủ yếu thuộc nhóm nitrocellulose. Nước sơn tạo thành lớp màng phim mỏng vững chắc vừa giúp bảo vệ móng, vừa giữ vai trò quan trọng trong việc làm đẹp. Dịch sơn móng được sử dụng phổ biến vì tính tiện lợi, dễ sử dụng và tạo màu đẹp, đáp ứng thị hiếu người dùng. Trong khi đó sơn móng dạng bột hoặc bột nhão khó sử dụng nên ít phổ biến hơn. 1. Yêu cầu chất lượng dịch sơn móng – Phải có độ nhớt phù hợp để có thể lưu giữ lại nước sơn trên móng. – Phải nhanh khô (3-5 phút) và tạo thành lớp bao phủ đồng nhất. – Lớp bao phủ phải không có vẩn đục hoặc lỗ nhỏ li ti sau khi khô. – Các bột màu phải được phân tán đồng nhất trong dịch, tạo màu và độ bóng như quy định. – Lớp bao phủ phải bền và không bị đổi màu trong các hoạt đồng thường ngày. – Dễ dàng rửa sạch bằng dịch rửa móng. – Không làm hư tổn móng hoặc có thành phần gây độc. 2. Thành phần chính của dịch sơn móng a. Tạo lớp phim bao phủ Nitrocellulose Thành phần tạo lớp phim tốt nhất trong dịch sơn móng là nitrocellulose. Tủy thuộc vào chất lượng của nitrocellulose sử dụng, mà độ nhớt có thể dao động từ ½ đến 1/4s và nồng độ nitrogen dao động từ 11,5 đến 12,2%. Hòa tan tốt trong dịch ester và ceton. Tính chất vật lý của lớp phim cũng tương tự như sơn công nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất có thể xuất hiện các acid tự do, sự hiện diện này sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đến độ bền của dịch sơn móng. Do đó, các nitrocellulose cần được xử lý và tinh chế kỹ càng. Nhựa resin Resin là thành phần thiết yếu trong dịch sơn móng. Do nitrocellulose thiếu về độ bám dính cũng như độ bóng, nên nhựa resin được thêm vào để khắc phục nhược điểm trên. Khi lựa chọn resin, lưu ý đến khả năng tương tác của nó với các thành phần tạo màu, khả năng tương thích với nitrocellulose và độ tan trong dung môi. Một số loại resin thông dụng như alkyl resin, sucrose resin, sulfonamid resin và acrylic resin… Nhựa dẻo Nhựa dẻo được thêm vào nhằm tăng độ linh hoạt và độ bền cho lớp sơn móng sau khi khô. Trước đây, dầu thầu dầu và long não được sử dụng. Ngày nay, các ester, acid citric và acetyl-tributyl được dùng rộng rãi. Tuy nhiên, do khả năng tạo độ dẻo tốt với nitrocellulose, nên long não vẫn được sử dụng rộng rãi đến ngày nay. Yêu cầu kỹ thuật của nhựa dẻo: – Có khả năng tương thích tốt với dung môi, nitrocellulose, và các loại nhựa resin. – Phải ổn định và không tạo mùi hôi. – Có mức độ bay hơi vừa phải vào tạo độ dẻo thích hợp cho lớp sơn móng. – Tương thích tốt với các sắc tố màu và không gây độc. b. Dung môi Dung môi dùng để pha chế son móng phải có khả năng hòa tan tốt nitrocellulose, resin và nhựa dẻo, tạo thành dịch có độ nhớt phù hợp với mức độ bay hơi và tạo cảm giác dễ chịu khi sử dụng. Nếu dung môi khô quá nhanh, sẽ tạo thành vết rỗ và lưu giữ hình dạng cọ quét trên lớp sơn móng. Ngoài ra, các dung môi dễ bị bay hơi bởi nhiệt cũng dễ gây vết vẩn đục. Do đó, rất khó có loại dung môi đơn lẻ nào có thể phù hợp tất cả các yếu cầu trên, nên việc kết hợp các dung môi là cần thiết và thường được các nhà bào chế ưa chuộng. c. Sắc tố màu Các phẩm màu nhuộm (Rhodamine B), màu hữu cơ (Lithol Rubin BCA) và màu vô cơ (Titan dioxyd) được sử dụng để tạo thành màu sắc quyến rũ khi sơn lên móng. Vảy cá tự nhiên và sắc tố ngọc trai cũng được sử dụng để tạo thành lớp sơn đẹp. d. Chất gây treo Chất gây treo thường được sử dụng khi cần phân tán các chất màu vô cơ như titan dioxyd và các chất màu chiết xuất từ ngọc trai. Dịch treo thường được sử dụng là các loại đất sét hữu cơ để ngăn quá trình lắng cặn. Đất sét hữu cơ dạng biến đổi được tạo ra bằng quá trình trao đổi ion giữa các lớp trong đất sét như bentonit, các cation hữu cơ để làm tăng tính thân dầu và phân tán dễ dàng hơn trong dung môi. III. CÔNG THỨC SẢN XUẤT 1. Dịch sơn móng (Nail enamel) Công thức: Nitrocellulose (1/2s) 10,0 (%) Alkyd resin 10,0 Acetyl tributyl citrat 5,0 Ethyl acetat 20,0 Butyl acetat 15,0 Ethyl alcohol 5,0 Toluen 35,0 Chất tạo màu Vừa đủ Chất gây treo Vừa đủ Quy trình sản xuất – Cho chất tạo màu vào hỗn hợp alkyd resin và acetyl tributyl citrat, nhào trộn đều (1). – Hòa tan các thành phần còn lại vào toluen, thu được dịch (2). – Cho (1) vào (2) trộn đều để phân tán đồng nhất. Chú ý sản xuất trong thiết bị kín để hạn chế việc bay hơi dung môi. Gần đây sơn móng dạng nhũ tương Nước/Dầu được phát triển và ứng dụng vào mỹ phẩm, tạo lớp bao phủ dạng base bám dính vào các rãnh trong móng và cải thiện độ bám dính, độ bền và độ bóng. 2. Dịch rửa móng (Enamel remover) Công thức: Aceton 66,0 Ethyl acetat 20,0 Butyl acetat 5,0 Dẫn xuất lanolin 1,0 Nước cất 8,0 Chất màu Vừa đủ Chất tạo mùi Vừa đủ Quy trình sản xuất: – Hòa tan lần lượt Ethyl acetat, Butyl acetat, chất tạo mùi và dẫn xuất lanolin vào dịch aceton. (1) – Hòa tan chất màu vào nước cất. (2) – Cho (1) vào (2), khuấy đều trong thiết bị kín. Nước rửa móng chứa hỗn hợp các dung môi có khả năng hòa tan nitrocellulose và resin. Một số loại nước rửa dạng kem còn chứa chất dưỡng ẩm, nước để bổ sung lượng ẩm đã bị loại bỏ bới dịch rửa móng. Các thành phần của dịch rửa móng chủ yếu là các dung môi dễ cháy nổ do đó khi sản xuất cần phải hết sức lưu ý về an toàn phòng chống cháy nổ. 3. Dịch dưỡng móng Khi quá trình sơn và rửa lặp lại nhiều lần, dễ dẫn đến hư tổn móng. Do đó, nước dưỡng móng được sản xuất để đáp ứng nhu cầu bảo vệ, phục hồi móng. Một số dạng sản xuất phổ biến như lotion sữa, kem… Dưỡng móng thường được sử dụng trước khi ngủ, sau khi đã rửa sạch sơn móng. Tần suất sử dụng phụ thuộc vào tình trạng của móng tay, thường 2-3 lần/tuần. Công thức: Acid stearic 2,0 Sáp vi tinh thể 3,0 Petrolatum 7,0 Lanolin hydro hóa 2,0 Parafin lỏng 22,0 Polyoxyethylen oleat 2,0 Propylen glycol 5,0 Triethanol amin 1,0 Đất sét 0,3 Nước cất 55,7 Chất bảo quản Vừa đủ Chất tạo mùi Vừa đủ Quy trình sản xuất – Hòa tan propylen glycol, triethanol amin vào nước cất, sau đó thêm đất sét vào, phân tán đồng nhất, đun 70 oC. – Hòa tan các thành phần còn lại vào parafin lỏng, đun hòa tan đến 70 oC. – Cho toàn bộ pha dầu vào pha nước, đồng nhất hóa tạo thành nhũ tương, làm mát đến 30 oC.