Quy định về mỹ phẩm và thuốc (Phần 1) Tháng Mười Một 10, 2017RD DƯỢC MỸ PHẨM: THUỐC VÀ MỸ PHẨM Theo Cục quản lý thực phẩm và thuốc Hoa Kỳ (FDA), một sản phẩm chăm sóc cá nhân có thể được phân loại là thuốc, mỹ phẩm hoặc cả hai. Các chất dưỡng ẩm với yếu tố bảo vệ làn da (SPF) và dầu gội trị gàu là các ví dụ cho các sản phẩm da liễu được phân loại vào nhóm vừa là thuốc, vừa là mỹ phẩm. Thuật ngữ “dược mỹ phẩm” đã được đưa ra cách đây khoảng 25 năm bởi Albert Kligman, MD tại một cuộc họp của Hiệp hội các nhà hóa học mỹ phẩm. Mặc dù thuật ngữ này đã được thảo luận trong nhiều thập kỷ nhưng danh mục “dược mỹ phẩm” vẫn chưa được hệ thống hóa và công nhận chính thức. Nói cách khác, nó không có ý nghĩa pháp lý. Tuy nhiên, thuật ngữ này ngày càng được biết đến nhiều hơn và thường được sử dụng để mô tả các sản phẩm có hoạt tính sinh học nhưng được quy định là mỹ phẩm (ví dụ như các sản phẩm chứa retinol). Mặc dù, người ta biết rằng retinol kích thích các thụ thể acid retinoic dẫn đến hoạt tính sinh học nhưng retinol là một thành phần phổ biến được chứa trong rất nhiều loại mỹ phẩm. Các công ty thường liệt kê retinol như là một thành phần không hoạt tính trên nhãn sản phẩm để tránh sự quản lý pháp lý của FDA. Năm 1938, khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua một đạo luật với tên là Luật liên bang thực phẩm, thuốc và mỹ phẩm (FD&C Act), trong đó nêu ra tiêu chí chính thức để phân loại thuốc và mỹ phẩm. Trong tài liệu này, mỹ phẩm được định nghĩa là: “…dùng để chà xát, rót, xịt hoặc phun lên hoặc được sử dụng theo một cách khác lên cơ thể người hoặc bất kì bộ phận nào để làm sạch, làm đẹp, tạo sự thu hút hoặc thay đổi diện mạo…”. Ngược lại, thuốc được định nghĩa là một chất “tác động lên cấu trúc và chức năng cơ thể”. Dựa trên định nghĩa này, mục đích thực tế của sản phẩm và hoạt tính của nó quyết định cách nó được phân loại như thế nào. Điều này cho phép phân loại retinol như một mỹ phẩm bởi vì nó được liệt kê như một thành phần không hoạt tính trong nhãn mỹ phẩm, do đó retinol không nhằm đáp ứng mục đích sinh học. Trước khi phê duyệt đưa ra thị trường Hoa Kỳ, mỗi loại thuốc mới phải được thử nghiệm lâm sàng theo đúng hướng dẫn của FDA cho Hồ sơ chứng nhận thuốc mới (NDA). Quy trình phê duyệt thuốc của FDA có thể mất hơn 10 năm và chi phí hàng trăm triệu đô do đó các công ty mỹ phẩm thường đi theo các hướng dẫn để giữ sản phẩm của họ được phân loại là mỹ phẩm. SẢN PHẨM CHĂM SÓC DA DẠNG HỮU CƠ Từ năm 1998-2004, việc sử dụng các sản phẩm cho cơ thể và da dưới dạng hữu cơ và tự nhiên tăng 51%. Gần đây nhất là năm 2005, không có luật nào liên quan đến việc sử dụng những thuật ngữ như hữu cơ và tự nhiên. Do đó, việc sử dụng những nhãn này gây ra những nhằm lẫn đáng kể. Ví dụ, trước khi có quy định, các nhà sản xuất có thể gọi sản phẩm của họ là hữu cơ thậm chí nó có chứa 90% nước và không có các thành phần hữu cơ khác có hoạt tính. Để khắc phục tình trạng sai lệch này, Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) ban hành các tiêu chuẩn hữu cơ mới đối với các sản phẩm chăm sóc cơ thể và da vào tháng 8/2005. Bây giờ, người tiêu dùng có thể mua được các sản phẩm chăm sóc tóc, cơ thể, da với dấu niêm phong hữu cơ của Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ. Một sản phẩm có chứa ít nhất 95% các thành phần hữu cơ có thể được dán nhãn hợp pháp là hữu cơ. Một sản phẩm có chứa ít nhất 75-94% các thành phần hữu cơ có thể dán nhãn là “được sản xuất từ thành phần hữu cơ”. Nguyên tắc sản xuất các sản phẩm hữu cơ Các thành phần hữu cơ phải đáp ứng các tiêu chí cơ bản để cho các sản phẩm được chứng nhận là hữu cơ: Tránh sử dụng các nguyên liệu cấm (như các phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu và nước thải) khoảng 3 năm trước khi cấp chứng nhận và liên tục trong suốt thời gian được cấp phép hữu cơ. Ngăn cấm sử dụng các sinh vật biến đổi gen và chiếu xạ. Sử dụng môi trường đất hiệu quả, bảo tồn, quản lý phân bón và thực hành luân canh cây trồng. Tránh ô nhiễm trong suốt quá trình chế biến các sản phẩm hữu cơ. Lưu giữ hồ sơ của tất cả các hoạt động sản xuất.