Một số vấn đề liên quan đến kem chống nắng Tháng Một 24, 2018RD Tác dụng phụ của kem chống nắng Các dữ liệu hiện nay cho thấy rằng các tác dụng phụ gây ra bởi kem chống nắng hóa học gồm có các biểu hiện da tại chỗ như viêm da tiếp xúc, kích ứng và dị ứng, cũng như các phản ứng độc quang hóa và dị ứng quang hóa. Trong thực tế, kem chống nắng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm da dị ứng quang hóa tiếp xúc ở Hoa Kỳ. Những tác nhân này cũng có thể gây viêm da tiếp xúc khi không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. PABA, benzophenone, cinnamate và methoxydibenzoylmethane là những thành phần phổ biến nhất trong các kem chống nắng hóa học có liên quan đến việc kích thích gây ra viêm da dị ứng tiếp xúc. Kem chống nắng vật lý có chứa TiO2 và ZnO chưa bao giờ có báo cáo gây dị ứng tiếp xúc và do đó thích hợp cho những bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm với kem chống nắng hóa học. Điều quan trọng cần nhớ là các thành phần phụ trong công thức kem chống nắng như chất tạo mùi và chất bảo quản cũng có khả năng gây ra các phản ứng dị ứng ở những bệnh nhân nhạy cảm. Trong một nghiên cứu trên 603 bệnh nhân nhận thấy rằng mặc dù có 19% đối tượng phàn nàn có một số phản ứng xuất hiện khi sử dụng kem chống nắng nhưng không có đối tượng nào bị dị ứng với các thành phần hoạt tính của kem chống nắng. Trong thực tế, chỉ có 10% các phản ứng được chứng minh có thành phần dị ứng. Kem chống nắng, các tá dược đặc biệt là các công thức thân dầu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mụn. Các nghiên cứu cho rằng tá dược cũng có thể làm phát triển mụn trứng cá. Không có kem chống nắng nào ngăn chặn được hoàn toàn ánh nắng mặt trời. Trong thực tế, FDA không còn cho phép thuật ngữ “sunblock” (chặn ánh nắng mặt trời) trên nhãn sản phẩm. Bởi vì khả năng bảo vệ có được từ nhiều kem chống nắng được giới hạn đến UVB (280-315nm) và bước sóng ngắn UVA2 (320-340nm) nên việc sử dụng các sản phẩm như vậy có thể làm gia tăng một cách nghịch lý sự tiếp xúc với UVA1 bước sóng dài (340-400nm). UVA (320-400nm) bao gồm các phần chính của bức xạ UV đến bề mặt trái đất và được chứng minh là có vai trò trong hình thành ung thư da, gây ra bệnh da quang hóa và các bệnh da khác. UVA đã được công nhận là một thành phần gây phá hủy mô elastin và các nghiên cứu bởi Lavker và Lowe cung cấp bằng chứng cho thấy rằng việc tiếp xúc lặp đi lặp lại với nguồn nhân tạo UVA bước sóng dài gây ra những biến đổi hình thái trong da người, là biểu hiện của tổn thương quang hóa. Trong một nghiên cứu của Bissonnette và cộng sự, phương pháp làm đậm màu sắc tố được sử dụng để so sánh sự bảo vệ UVA có được từ 6 loại kem chống nắng sẵn có trên thị trường với chỉ số SPF 20 hoặc cao hơn. Những sản phẩm này tuyên bố trên nhãn là cung cấp chỉ số bảo vệ UVA và UVB. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các kem chống nắng cho phép làm sậm số lượng sắc tố thấp nhất và do đó che phủ UVA tốt nhất khi chứa avobenzone hoặc butyl methoxydibenzoylmethane. Điều thú vị là các kem chống nắng bảo vệ chống lại sắc tố gây ra bởi UVA là các kem chống nắng có chỉ số SPF cao thứ 2 và thứ 3 (45 và 50), điều này cho thấy rằng việc lựa chọn kem chống nắng chỉ số SPF cao không thể được sử dụng làm hướng dẫn duy nhất để so sánh mức độ bảo vệ UVA đạt được từ kem chống nắng. Vitamin D và kem chống nắng Vitamin D rất quan trọng trong việc ngăn ngừa nhiều loại ung thư, những nghiên cứu gần đây cho thấy vitamin D ngăn chặn ung thư phổi và ung thư tiền liệt tuyến. Tuy nhiên, phương pháp tốt nhất để có được liều vitamin D lành mạnh và thích hợp lại thông qua ánh nắng mặt trời. Các thực phẩm bổ sung, thuốc và sữa không chứa liều khuyến cáo thích hợp cho vitamin D mỗi ngày. Nằm phơi nắng biển khoảng 20 phút có thể tạo ra 10.000IU vitamin D trong khi một ly sữa chỉ sản sinh ra 100IU. Do đó, nổi lên những tranh cãi về việc cách tốt nhất để có được vitamin D là thông qua việc tiếp xúc với nắng, nhưng tiếp xúc nắng quá nhiều lại được biết là gây ung thư da. Ngoài ra, các kem chống nắng ngăn chặn hầu hết ánh sáng UVB, trong khi UVB thúc đẩy quá trình tổng hợp vitamin D. UVB là nguồn gốc gây cháy nắng và sạm da. Nghiên cứu về chủ đề này vẫn đang tiếp tục và chưa đưa ra được kết luận cuối cùng. Một nghiên cứu cho thấy không có sự liên quan giữa ngăn chặn ung thư da và vitamin D. Trong nghiên cứu này, 165 bệnh nhân u ác tính và 209 người đối chiếu được đặc câu hỏi bằng việc sử dụng bảng câu hỏi tần xuất sử dụng thực phẩm. Các nhà nghiên cứu kiểm soát tuổi, màu tóc và tiền sử gia đình, kết quả cho thấy không có bằng chứng cho thấy vitamin D giúp ngăn ngừa các khối u ác tính hay giảm nguy cơ của chúng. Một nghiên cứu song song cho thấy rằng sử dụng kem chống nắng không làm giảm lượng vitamin D. Trong một nghiên cứu đặc biệt được tiến hành trên 20 người sử dụng kem chống nắng có chứa PABA trong thời gian dài, nghiên cứu này đã được thử nghiệm và tìm thấy có lượng vitamin D ở đối tượng nghiên cứu thấp hơn so với những đối tượng đối chứng bình thường. Mặc dù tranh cãi này còn lâu mới được giải quyết nhưng hầu hết các nhà nghiên cứu đề xuất phơi nắng vài phút mà không sử dụng kem chống nắng và tránh tiếp xúc với nắng trong một thời gian dài.