Lợi ích làm đẹp từ dịch chiết Rau Má (Centella Asiatica)

 

  1. Khái quát về dịch chiết rau má

Rau má, tên khoa học là Centella asiatica (Linn.), ngoài ra còn được biết đến với 1 số tên khác như: Gotu kola, Indian pennywort. Rau má chia thành 3 phân loài nhỏ là: typica, abyssinica và floridana; mỗi phân loại sẽ khác biệt nhất định về nơi sinh trưởng, thành phần hóa học và hình dạng lá.

Rau má chủ yếu được trồng nhiều ở Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Madagascar, Nam Phi và Đông Âu. Thành phần dịch chiết rau má đa dạng, chiếm tỉ lệ cao nhất là các saponin triterpenoid (asiaticoside, centelloside, madecassoside,…), flavonoids (quercetin, rutin, kaempferol, catechin, naringenin), phenolic acid, triterpenic steroid (stigmasterol, sitosterol), amino acid, đường và các vitamin.

  1. Lợi ích của dịch chiết rau má

Trong lĩnh vực da liễu, dịch chiết rau má được sử dụng điều trị các vết thương cũng như tổn thương lớn trên diện rộng như bỏng, vảy nến hay xơ cứng bì (scleroderma). Một số nghiên cứu nhận thấy rằng, dịch chiết rau má giúp kích thích sản sinh nguyên bào sợi, kích hoạt tín hiệu SMAD, do đó giúp tăng sản xuất collagen type I, cũng như làm giảm vết rạn da và kháng viêm. Ngoài ra, một số thành phần trong dịch chiết rau má còn giúp tăng lưu lượng tuần hoàn máu trong da, giúp da được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, sáng và khỏe mạnh. Bên cạnh đó, các thành phần này có có khả năng ngăn chặn sự tích tụ quá mức của các chất béo trong tế bào,

Ở khía cạnh thẩm mỹ, dịch chiết này được sử dụng trong các mỹ phẩm làm đẹp với khả năng giữ ẩm, chống oxy hóa, kháng viêm, chống lão hóa và ngừa ung thư da. Các triterpen là thành phần chính trong dịch chiết rau má, có nhiều tác dụng tốt trong lĩnh vực làm đẹp.

  1. Nghiên cứu về khả năng dưỡng ẩm và kháng viêm của dịch chiết rau má

Dưỡng ẩm da

Nghiên cứu được tiến hành trên 25 người tình nguyện để xác định mức độ hydrat hóa lớp sừng của 2 dạng bào chết cream và gel chứa 2,5% và 5% dịch chiết rau má, nhận thấy rằng, dạng 5% cho khả năng hydrat hóa lớp sừng cao hơn. Sau 1 tuần sử dụng, khả năng hydrat hóa sừng ở dạng cream 12% trong khi dạng gel là 10% so với sử dụng mỹ phẩm placebo; sau 4 tuần sử dụng, cream là 25% và gel 22% hydrat hóa lớp sừng. Tác dụng này được cho là nhờ vào sự hiện diện của saponin triterpen trong dịch chiết, đây là thành phần thân nước, cấu trúc chứa các glycone (đường: glucose và rhamnose) nên có khả năng liên kết và hút, giữ ẩm cho da.

Bên cạnh đó, nghiên cứu còn chỉ ra rằng dịch chiết rau má có khả năng cải thiện lớp màng bảo vệ tự nhiên trên da, khắc phục hiện tượng mất nước xuyên biểu bì.

Kháng viêm

Khả năng kháng viêm của dịch chiết rau má được đánh giá dựa trên thử nghiệm mô hình methyl nicotinate – chất gây đỏ da và mất nước xuyên biểu bì sau khi thoa 30 phút dựa trên cơ chế phóng thích chất gây viêm prostaglandin D2.

Nghiên cứu nhận thấy rằng dịch chiết rau má 5% có khả năng giúp làm giảm kích ứng và phục hồi chức năng hàng rào biểu bì có ý nghĩa thống kê. Tính chất kháng viêm có được nhờ vào sự hiện diện các saponin trong thành phần rau má như: asiaticoside gây ức chế cyclooxygenase và lipoxygenase, từ đó ức chế cytokine kích hoạt phản ứng viêm, bên cạnh khả năng chống oxy hóa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *