KẼM (Zn) Tháng Một 24, 2018RD Hàm lượng kẽm ở người lớn khỏe mạnh là 1,5-2,5g. Kẽm được phân bố khắp nơi giữa các tế bào trong cơ thể và là nguyên tố vi lượng nội bào phong phú nhất. Nó có chức năng enzym, cấu trúc, miễn dịch và điều tiết quan trọng. 1.Chức năng Chức năng enzym Hơn 200 enzym phụ thuộc kẽm có chức năng đa dạng trên khắp cơ thể. Các ARN polymeraz cần thiết cho việc tổng hợp các protein mới thì cần có kẽm. Trong các enzym phụ thuộc kẽm có enzym nổi bật là ancol dehydrogenaz-một enzym ở gan có chức năng chuyển hóa ethanol. Enzym phụ thuộc kẽm đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp ADN, chuyển hóa các chất dẫn truyền thần kinh, làm bất hoạt các gốc tự do và chuyển hóa nhiều loại hormon (tăng trưởng, tuyến giáp, hormon sinh dục và insulin). Cấu trúc và chức năng của protein Kẽm là một phần của protein “ngón tay kẽm” và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển, sự biệt hóa tế bào và tín hiệu nội bào. Chức năng miễn dịch Kẽm có vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất và điêu hòa đáp ứng miễn dịch của tế bào và thể dịch. Bảo vệ tế bào Kẽm giúp chống lại các chất độc như các chất độc hữu cơ, các kim loại nặng, tia phóng xạ và các nội độc tố do vi khuẩn gây ra. Chức năng chống oxy hóa Kẽm là một phần thiết yếu của cấu trúc enzym chống oxy hóa quan trọng là đồng/kẽm superoxide dismutaz (Cu/Zn SOD). Enzym này đặc biệt quan trọng trong quá trình bảo vệ lipid tế bào khỏi của sự peroxy hóa và sự hư tổn. 2.Nguy cơ thiếu kẽm Thiếu kẽm mức độ nhẹ là trường hợp phổ biến nhất, đặc biệt ở trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ mang thai và cho con bú và người cao tuổi. Chế độ ăn chay và bán chay. Ăn kiêng trong thời gian để giảm cân thường dẫn đến thiếu kẽm. Bổ sung canxi liều cao có thể làm tăng sự mất kẽm và nhu cầu kẽm. Uống nhiều rượu làm giảm hấp thu và tăng mất kẽm. Bệnh gan và bệnh thận làm tăng nhu cầu kẽm. Bệnh tiểu đường được kiểm soát kém làm tăng mất kẽm qua nước tiểu và dẫn đến thiếu hụt kẽm. Bệnh nhiễm trùng hoặc viêm mãn tính (như viêm khớp dạng thấp) làm tăng nhu cầu kẽm. 3.Dấu hiệu và triệu chứng thiếu kẽm Viêm da, mụn trứng cá, lâu lành vết thương, đốm trắng trên móng tay, rụng tóc, thưa tóc. Giảm thính lực và vị giác (thường kèm theo chán ăn). Quáng gà do suy giảm chuyển hóa vitamin A trong võng mạc. Chậm tăng trưởng, còi cọc, chậm phát triển về sinh dục và dậy thì muộn. Suy giảm chức năng enzym và chuyển hóa các chất dẫn truyền thần kinh có thể dẫn đến trầm cảm, cáu kỉnh và giảm tập trung ở trẻ em, Giảm khả năng chống oxy hóa. Giảm khả năng chống ô nhiễm môi trường và bức xạ. Tăng peroxi hóa lipid. Suy giảm chức năng tinh hoàn và buồng trứng. Quá trình sản xuất tinh trùng kém, rối loạn rụng trứng, giảm khả năng sinh sản ở cả nam và nữ. Đáp ứng miễn dịch bị suy yếu. Tăng nhiễm trùng như bị cảm lạnh thông thường, cúm, nhiễm trùng đường tiểu. Suy giảm khả năng phòng vệ miễn dịch của tế bào đối với các tác nhân môi trường và ung thư. 4. Nguồn thực phẩm chứa kẽm dồi dào Bảng các thực phẩm giàu kẽm Thực phẩm Khẩu phần mg Gan bò 100g 6-8 Hàu 100g 7 Đậu lăng 100g 5 Đậu xanh 100g 4 Bánh mì từ lúa mì nguyên hạt 100g 2-4 Đậu trắng 100g 3 Thịt (thịt bò, bê, gà) 100g 3 Cám mì 25g 3 Bắp 100g 2,5 Bột yến mạch 50g 2 Trứng 1 quả vừa 1,5 Nhìn chung, hấp thu kẽm từ thực phẩm khoảng 33%, nhưng sự hấp thu thay đổi từ 5-50% tùy thuộc vào chất xơ, phylat và hàm lượng canxi (tất cả đều làm giảm sinh khả dụng của kẽm). Sinh khả dụng của kẽm từ các nguồn thực vật thấp, thường khoảng 10-15%. Thịt, gan, hàu chứa một lượng lớn kẽm có sinh khả dụng cao gấp 3-4 lần so với kẽm trong thực vật. 5. Nhu cầu khuyến nghị kẽm Bảng nhu cầu kẽm được khuyến nghị (mg) Dự phòng thiếu UK RNI* (1991) USA RDA** (1989) Nam giới trưởng thành 9,5 15 Nữ giới trưởng thành*** 7 12 Liều điều trị Werbach (1990/99) 20-150 20-150 Nam giới trưởng thành Nữ giới trưởng thành*** *RNI: recommended nutrient intakes: nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị. **RDA: recommended dietary allowance: khẩu phần ăn khuyến nghị. ***Không bao gồm phụ nữ có thai và cho con bú 6. Sử dụng kẽm Bệnh về mắt Kẽm có thể có ích trong ngăn ngừa và điều trị thoái hóa điểm vàng – một nguyên phổ biến gây ra suy giảm thị lực ở người cao tuổi. Chấn thương, bỏng và phẫu thuật Kẽm giúp điều chỉnh phản ứng miễn dịch và viêm với chấn thương và tăng tổng hợp protein, mau làm lành vết thương. Bệnh nhiễm trùng Kẽm có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng và tăng đáp ứng miễn dịch đối với việc tiêm chủng. Dạng viên ngậm có thể dùng để điều trị cảm thông thường. Kẽm làm giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ. Giai đoạn tăng trưởng của trẻ Thiếu hụt kẽm gây hạn chế sự tăng trưởng của trẻ và cản trở sự hình thành xương. Khả năng sinh sản ở nam giới Kẽm có thể cải thiện chất lượng tinh trùng và trong một số trường hợp, tăng khả năng sinh sản. Bệnh về da Các trường hợp như mụn trứng cá, chàm và vảy nến có thể đáp ứng với kẽm, đặc biệt là ở những người thiếu kẽm. Uống nhiều rượu Kẽm có thể làm tăng chuyển hóa rượu và làm giảm tác dụng độc hại (peroxy hóa lipid) của rượu lên gan, Bệnh thấp khớp Viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vảy nến có thể gây thiếu hụt kẽm do tình trạng viêm mãn tính và sử dụng thuốc (steroid, NSAID như aspirin, penicillamin). Trong những trường hợp như vậy, kẽm có thể giúp cải thiện quá trình viêm, giảm đau và sưng. Kẽm có thể làm giảm stress oxy hóa của rối loạn thấp khớp mãn tính. 7. Độc tính Kẽm là một chất không độc với liều 100mg/ngày. Với liều 150mg/ngày, kẽm có thể gây buồn nôn và nôn, gây cản trở hấp thu đồng. Ở liều rất cao 300mg/ngày, kẽm có thể gây giảm chức năng miễn dịch và giảm cholesterol HDL trong máu.