Chất làm sạch không tạo bọt và ít tạo bọt Tháng Mười 3, 2017Tháng Mười 3, 2017RD GIỚI THIỆU Sử dụng hiệu quả và thích hợp chế độ chăm sóc da phù hợp là nguyên tắc để duy trì làn da khỏe mạnh. Chế độ chăm sóc là một phần quan trọng trong các bệnh da liễu, chăm sóc da không đúng cách có thể cản trở kết quả điều trị tích cực. Làm sạch là bước đầu tiên để kiểm soát các vấn đề da liễu và việc chọn lựa một sản phẩm làm sạch đúng đắn có thể tác động đáng kể lên thành công của điều trị. Các chất làm sạch đầu tiên được sử dụng bởi người Babylon trong những năm 2200TCN. Sau đó người Ai Cập đã kết hợp dầu thực vật và động vật với muối baso để tạo ra các hợp chất giống như xà phòng. Các chất làm sạch sau đó được tạo ra có chứa muối của các acid béo thu được từ phản ứng của chất béo với dung dịch kiềm, gọi là phản ứng xà phòng hóa, đánh dấu sự bắt đầu của hệ thống làm sạch dựa trên xà phòng tạo bọt có sẵn hiện nay. Các chất làm sạch không tạo bọt được phát triển vào thế kỷ thứ 2 dưới dạng kem dưỡng chống khô da và dạng sữa. Bác sĩ người Hy Lạp Galen được xem là cha đẻ của dạng kem dưỡng chống khô da vì ông đã kết hợp dầu oliu, sáp ong, nước và cánh hoa hồng. Nhiều công thức tiên tiến hơn cũng có thêm vào borac. Có nhiều nhóm chất làm sạch khác nhau, tuy nhiên, bài viết này chỉ tập trung vào các chất làm sạch không tạo bọt và ít tạo bọt. CÁC DẠNG CHẤT LÀM SẠCH KHÔNG TẠO BỌT VÀ ÍT TẠO BỌT Nhiều người tiêu dùng mắc sai lầm khi nghĩ rằng việc tạo bọt đem đến hiệu quả làm sạch. Tuy nhiên, thực tế thì không phải như vậy, thậm chí ngay cả khi không xuất hiện bọt, việc làm sạch vẫn có thể xảy ra. Đây là tiền đề cơ bản để hình thành các chất làm sạch không tạo bọt và ít tạo bọt. Có hai loại chất làm sạch không tạo bọt và ít tạo bọt chủ yếu là dung dịch nước hoặc công thức có thành phần nước, có thể cần hoặc không cần sử dụng nước để làm sạch, và loại thứ hai là chất làm sạch không có chứa nước. Phần lớn các chất làm sạch không tạo bọt và ít tạo bọt là công thức có chứa nước gồm các thành phần như: nước, chất diện hoạt, chất làm ẩm, chất ổn định, chất bảo quản, chất tạo mùi và chất màu. Hiệu quả của các công thức làm sạch có nước phụ thuộc vào ba thành phần chủ yếu là nước, chất diện hoạt và chất giữ ẩm. Bảng 1. Các dạng chất làm sạch không tạo bọt và ít tạo bọt Chất diện hoạt Thành phần quan trọng nhất trong phần lớn các hệ thống làm sạch là chất diện hoạt. Chất diện hoạt là chất hóa học làm ổn định hỗn hợp dầu và nước bằng cách giảm sức cưng bề mặt ở mặt phân cách giữa các phân tử dầu và nước, tăng sự hình thành bọt và ổn định tính keo của nó. Chất diện hoạt thể hiện hai chức năng trong việc làm sạch. Thứ nhất là chúng ổn định công thức làm sạch bằng cách cho phép pha dầu và pha nước cùng tồn tại trong một hệ thống ổn định. Khi không có chất diện hoạt, sẽ không thể tạo ra một pha đồng nhất trong công thức. Chức năng thứ hai là chức năng quan trọng nhất, chất diện hoạt là yêu cầu tất yếu cho việc làm sạch. Chất diện hoạt có thể được phân thành 5 nhóm: anionic, amphoteric (zwitteronic), cationic, non-ionic và chất diện hoạt polyme. Các anionic đặc trưng bởi khả năng làm sạch và tạo bọt tốt nhưng có thể gây kích ứng da quá mức. Kết quả là các anionic được kết hợp với các chất diện hoạt dịu nhẹ hoặc các chất cần thiết khác. Các non-ionic và các polyme có khuynh hướng là các chất diện hoạt dịu nhẹ và được dùng trong các hệ thống làm sạch dịu nhẹ. Các cationic truyền thống có thể gây kích ứng nhưng các nhóm mới đã được biết đến, là đối thủ cạnh tranh của các non-ionic. Nhóm cuối cùng là các amphoteric cũng có tính dịu nhẹ. Hơn 40 năm qua, các chất diện hoạt hoạt động dịu nhẹ đang được phát triển, do đó một số lượng lớn các chất diện hoạt non-ionic là thành phần cơ bản trong những nhóm công thức tạo bọt ít, các công thức làm sạch giảm kích ứng và có thể được kết hợp với các nhóm polyme và amphoteric. Ví dụ các chất diện hoạt dịu nhẹ và các chất diện hoạt ít gây kích ứng bao gồm các sulfoacetate, acyl sarcosinate, amphoproprionate, alkanolamide, alkylglucosides và chất diện hoạt dịu nhẹ gốc cocamidopropyl betaine. Sản xuất chất làm sạch ít bọt Những hạn chế chính của hầu hết các hệ thống chất diện hoạt tổng hợp dịu nhẹ là ít tạo bạo. Nhìn chung, các chất diện hoạt có mạch cacbon càng dài thì các phân tử càng ít gây kích ứng. Tuy nhiên, tính dịu nhẹ này thường lấy đi hiệu quả làm sạch và tạo bọt. Thực tế, nhiều chất làm sạch hiện đại bổ sung thêm vào công thức các chất tăng tạo bọt để tăng cường sự hiện diện của bọt. Những thành phần thêm vào này không đòi hỏi khả năng làm sạch, không có thuộc tính làm sạch. Sự cân bằng giữa tính dịu nhẹ và tạo bọt được yêu cầu trong các công thức. Tính dịu nhẹ Khả năng kích ứng có thể được giảm bằng cách sử dụng các chất diện hoạt phù hợp. Ví dụ, sodium lauryl sulfate (SLS) là một chất diện hoạt anionic với chỉ số kích ứng cao cho thấy có thể giảm kích ứng khi kết hợp bới sodium laureth sulfate (SLES). Sự cân bằng lượng chất diện hoạt trong công thức đảm bảo hiệu quả làm sạch trong khi không có ảnh hưởng có hại cho hàng rào lipid bảo vệ của da và các protein là điều quan trọng. Các thành phần khác có thể được đưa vào công thức làm sạch để giảm nhẹ những ảnh hưởng có hại. Một số các chất làm sạch dịu nhẹ chứa chất giữ ẩm như glycerin giúp giữ nước cho da. Các chất giữ ẩm khác như butylene glycol hay propylene glycol đã được sử dụng nhưng ít ưa chuộng hơn glycerin. Acid hyaluronic có khả năng kết hợp nhiều lần trong nước, rất đắt và hiếm khi được sử dụng. Các chất giữ ẩm, các thành phần xây dựng hàng rào bảo vệ da khác cũng có thể được sử dụng. Ví dụ các ceramide và chiết xuất thực vật với các chất chống oxi hóa gián tiếp, các chất chống kích ứng có thể được sử dụng. Tuy nhiên vấn đề là phải đảm bảo những thành phần này phân phối lên da và có thể được rửa sạch. Dùng hệ thống phóng thích kéo dài hay phóng thích có kiểm soát có thể gia tăng sự phân phối các thành phần. Một ví dụ của hệ thống phân phối có kiểm soát được dùng trong hệ thống làm sạch là việc dùng nhũ tương có nhiều túi nhỏ. Nhũ tương này chứa các hạt đa lớp cho phép phóng thích kéo dài các hợp chất như ceramide, glycerin và acid hyaluronic. Tính dịu nhẹ của chất làm sạch phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là việc chọn lựa các thành phần trong công thức và pH của sản phẩm. Hai nhóm thành phần gây kích ứng đáng kể nhất dùng trong công thức là các chất tạo mùi và chất bảo quản. Thường kết hợp các chất tạo mùi và nồng độ cao của các chất diện hoạt để giảm chỉ số kích ứng. Do các tác động này nên các sản phẩm làm sạch dịu nhẹ thường không có chất tạo mùi, tuy nhiên, chất bảo quản vẫn là một phần thiết yếu của công thức để đảm bảo các sản phẩm không bị nhiễm khuẩn. Chất làm sạch không chứa nước Các cách thức làm sạch da khác không liên quan đến các chất diện hoạt truyền thống là việc sử dụng các dung môi để hòa tan dầu và chất nhờn. Những chất làm sạch da mặt không chứa nước thường là cồn, đặc biệt chứa isopropyl alcohol pha loãng và một lượng nhỏ chất diện hoạt. Chất nhờn tan trong cồn và các dung môi có glycol. Những chất làm sạch này tiện lợi để sử dụng mà không cần nước và có hiệu quả trên những bệnh nhân có da nhiều dầu, tuy nhiên, việc sử dụng lâu có thể gây hại đến hàng rào bảo vệ của da. Các hệ thống làm sạch thay thế khác gồm có hệ thống hai pha, pha dầu và pha nước không được hỗn hòa trong một công thức và vẫn là hai lớp riêng biệt. Những hệ thống này được trộn lại bằng cách lắc đều trước khi sử dụng. Chúng có ưu điểm là nồng độ chất diện hoạt thấp nhưng thường không được người tiêu dùng ưa chuộng. Chất làm sạch không chứa lipid Các nhóm chất làm sạch mới sử dụng cho da thường và da dầu được nhắc đến là những chất làm sạch không chứa lipid. Các lipid được định nghĩa rộng là chất béo hòa tan, các phân tử có nguồn gốc từ thiên nhiên như các chất béo, dầu, sáp, sterol, monoglyceride và phospholipid. Các chất làm sạch không có lipid có ưu điểm là không gây tích tụ lại bất kỳ thành phần lipid nào trên bề mặt da. Chúng cân bằng khả năng làm sạch và giữ ẩm cho da. Đối với các chất làm sạch không chứa lipid, việc làm ẩm được thực hiện bằng cách thay thế chất nhờn bằng các dầu tổng hợp cùng với các chất giữ ẩm thêm vào, như glycerin. Mặc dù tốt cho da thường và da dầu, nhưng chất tẩy rửa dạng này không phù hợp với da khô. Bảng 2. Các loại chất làm sạch chính CƠ CHẾ LÀM SẠCH Đối với các chất làm sạch không tạo bọt, đặc biệt là kem dưỡng chống khô da, phương thức hoạt động chính tùy thuộc vào khả năng trói buộc chất nhờn, chất bẩn, vi khuẩn và các tế bào da chết. Công thức kem dưỡng chống khô da là nhũ tương nước trong dầu (W/O) với pha ngoại là các thành phần dầu hoặc thân dầu và pha nước được phân chia thành các giọt nhỏ trong pha nội. Do pha ngoại là pha dầu nên các kem dưỡng chống khô da trói buộc tốt các chất nhờn, chất bẩn và mỹ phẩm với việc lại bỏ dễ dàng khi lau. Các dạng lotion làm sáng da hoặc dạng sữa cũng có nguyên lý tương tự, mặc dù chúng khác với các kem dưỡng chống khô da, bởi vì chúng là các nhũ tương dầu trong nước (O/W). Nhờ vào việc sử dụng lên bề mặt da, các giọt pha dầu tìm ra các chất nhờn trên bề mặt của da, lôi kéo chúng là dễ dàng loại bỏ khi lau nhẹ hoặc rửa với nước. Các dạng lotion làm sáng da này cũng khác các kem dưỡng chống khô da do có chứa một số chất diện hoạt cổ điển. Các chất diện hoạt được dùng để duy trì nhũ tương ổn định với pha nội dầu và pha ngoại nước nhưng không có bất kỳ khả năng tạo bọt nào. Những chất làm sạch này hạn chế khả năng tẩy rửa và không hiệu quả cho da dầu nhưng hoạt động tốt đối với da khô đến da bình thường. PHÁ HỦY HÀNG RÀO BẢO VỆ Ảnh hưởng trên da của chất diện hoạt phụ thuộc vào loại, thời gian tiếp xúc và nồng độ. Nhiều chất diện hoạt khác nhau tác động lên lớp sừng hoặc lớp ngoài của biểu bì, gây ra khô da, phá hủy chức năng hàng rào bảo vệ của da, gây kích ứng, ngứa và đỏ. Các chất diện hoạt tương tác với các thành phần khác nhau của lớp sừng, gồm có các protein và lipid. Tương tác xảy ra với các tế bào sừng hoặc phức hợp protein làm từ các sợi keratin cũng như các lipid. Đối với tế bào sừng, chất diện hoạt trói buộc lại những protein này cho phép chúng phồng lên và làm cho những thành phần khác trong công thức có thể thâm nhập vào các lớp sâu hơn của da nơi mà chúng có thể gây ngứa và kích ứng. Các đặc tính kích ứng của các chất diện hoạt đã được chứng minh là có liên quan đến cơ chế mà chất diện hoạt tương tác với lớp sừng. Sự tương tác của các chất diện hoạt với các lipid trong lớp sừng vẫn chưa được hiểu một cách đầy đủ. Các chất diện hoạt có thể nằm giữa các lớp lipid kép gây tăng tính thấm và thậm chí gây phá vỡ lớp kép. Các chất diện hoạt cũng có thể gây phá hủy cấu trúc lipid của chính nó. Các chất diện hoạt làm giảm số lượng lipid trong da và phá hủy cấu trúc hàng rào da bằng cách loại bỏ những lipid này bằng các chất làm sạch được sử dụng. Bản thân chất diện hoạt thường không gây kích ứng, ngoại trừ các thành phần khác chứa trong công thức như các chất tạo mùi và các chất bảo quản. Chất diện hoạt tác động lên chức năng hàng rào bảo vệ mở ra đường đi cho tác động phá hủy của những thành phần khác. Có thể thấy được việc gây hư hại hàng rào bảo vệ cần được tránh bởi vì hàng rào bảo vệ bị hư hại có liên quan tới những bệnh về da bao gồm bệnh vảy nến, viêm da dị ứng và các bệnh vẩy cá khác. KẾT LUẬN Ưu điểm của chất làm sạch không tạo bọt và ít tạo bọt là tính dịu nhẹ. Những bất lợi là khả năng ít tạo bọt nhưng điều này thường không được người tiêu dùng chấp nhận bởi vì họ cho rằng nó không hiệu quả để làm sạch. Các chất làm sạch để lại cảm giác “kin kít” trên bề mặt da và tạo ra nhiều bọt thường không phù hợp với những người có da nhạy cảm. Các chất làm sạch không tạo bọt và ít tạo bọt đạt được cân bằng giữa khả năng làm sạch da và khả năng thanh thải.