Cấu trúc & chức năng của móng Tháng Mười 13, 2017RD I. CHỨC NĂNG SINH LÝ CỦA MÓNG Móng là một dạng biến đổi của da, được cấu tạo bởi một lớp keratin cứng chắc phát triển từ biểu bì phần mặt lưng của các ngón tay và ngón chân. Móng có chức năng bảo vệ, giúp mạng lưới thần kinh dày đặc ở các đầu chi khỏi bị tổn thương, đồng thời chúng còn có tác dụng tăng độ nhạy của xúc giác ở các đầu ngón tay, chân. Bên cạnh đó, nó còn là một thứ vũ khí để tự vệ, tấn công, đồng thời móng cũng phản ánh tình trạng sức khỏe của cơ thể. Ở người khỏe mạnh, mỗi ngày móng dài thêm khoảng 0,1-0,15 mm, móng tay phát triển nhanh hơn móng chân, tốc độ tăng trưởng tùy thuộc vào từng cá thể khác nhau (tăng nhanh ở trẻ em và người trẻ, giảm ở người lớn tuổi) và cũng khác nhau giữa các móng. Bên cạnh đó, thời tiết cũng cho thấy có sự ảnh hưởng nhất định, cụ thể mùa hè móng sẽ tăng trưởng nhanh hơn mùa đông. Thời gian tăng trưởng trung bình của móng từ lớp biểu bì liên móng (eponychium) đến bờ móng là khoảng 6 tháng. II. THÀNH PHẦN VÀ CẤU TRÚC CỦA MÓNG 1. Thành phần móng Móng có cấu trúc tương tự như lớp sừng của da, hình thành nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa các tế bào keratin tạo nên lớp cứng chắc. So với lớp sừng, móng có nồng độ chất béo thấp hơn từ 0,15-0,75%, nồng độ lưu huỳnh khoảng 3%, cao hơn lớp sừng. Tóc và móng dù có hình dạng khác nhau, nhưng cả hai được tổng hợp nên từ các amino acid tương tự. Khác với xương, calci không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của móng. Vào tháng tư của thai kỳ, thai nhi bắt đầu hình thành móng trên các ngón. Móng tăng trưởng liên tục suốt đời người. 2. Cấu trúc móng Móng có cấu tạo phức tạp gồm 3 lớp: Đĩa móng (nail plate): cấu tạo bởi lớp sừng, phát triển liên tục suốt đời, có màu hồng vì nằm trên giường móng có nhiều mạch máu nuôi dưỡng. Giường móng (nail bed). Mầm móng (ventral matrix): nơi tập trung các mạch máu, chịu trách nhiệm nâng đỡ và phát triển móng. Móng mọc ra từ nhóm tế bào đặc biệt gọi là gian bào (matrix) có nhiều mạch máu, nằm dưới quầng móng (luluna). Quầng móng hình bán nguyệt, màu trắng đục, hình thành do quá trình keratin hóa không hoàn chỉnh. So với các phần khác của móng, quầng móng (luluna) mềm hơn và không tương tác hoàn toàn với giường móng. Giường móng giữ vai trò cung cấp nước cho móng và đảm bảo móng phát triển đúng hướng (dọc theo bờ móng). Khi móng tách khỏi giường móng ở bờ móng, móng sẽ không còn được cung cấp nước nữa nên giòn và dễ gãy. Phần da đầu ngón, ở vị trí tách rời móng được gọi là bờ móng. Phần da liên kết với móng tại mầm móng được gọi là lớp biểu bì liên móng (eponychium), giữ vai trò bào vệ những lớp móng phát triển chưa hoàn chỉnh. Thiếu đi eponychium, móng thường tạo thành sẹo và móng mới phát triển bất thường. Hình 1. Cấu trúc móng III. TÍNH CHẤT VẬT LÝ CỦA MÓNG Thông thường, móng chứa từ 5-24% nước tùy thuộc vào điều kiện môi trường xung quanh. Giống như tóc, quá trình hấp phụ và mất nước của móng cũng diễn ra nhanh chóng. Khi hấp phụ nước, móng trương nở, thể tích tăng lên, chủ yếu nằm độ dày hơn là chiều dài và chiều rộng, do cấu trúc dạng lớp của móng. IV. SỰ PHÁ HỦY MÓNG Móng có thể bị phá hủy bời nhiều nguyên nhân khác nhau như: cắt móng, sử dụng sản phẩm làm đẹp, các chất hóa học… Móng được cắt từ bờ móng trở đi, vì ở phần này hàm lượng nước trong móng giảm nhiều do giường móng không còn khả năng cung cấp nước nữa, vì thế móng giòn, dễ cắt và không gây đau. Cắt móng thừa giúp thuận tiên cho các thao tác sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày. Quá trình làm đẹp cũng gây ra sự phá hủy móng như việc phù lên và tháo ra các lớp móng bột, cũng như các loại sơn móng. Do đó, cần lựa chọn sản phẩm có uy tín, chất lượng tốt để tránh hư hỏng móng. Ngoài ra, trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày, tắm rửa, giặt giũ cũng có khả năng gây phá hủy móng khi móng tiếp xúc trực tiếp với chất hóa học xà phòng và các chất tẩy rửa, làm cuốn trôi lớp lipid, cũng như lượng nước trong móng.