Các sản phẩm sử dụng sau khi đi nắng Tháng Mười 9, 2017RD Ánh sáng mặt trời là năng lượng cao, khi tương tác với da, ánh sáng mặt trời có thể bị phản xạ, phân tán hoặc hấp thụ. Để bắt đầu một quá trình vật lý hay hóa học, ánh sáng cần phải được hấp thụ bởi một nguyên tử hay phân tử. Da của con người là một nguồn phong phú của nhiều chromophore có đặc tính hấp thụ mạnh, đặc biệt là tia UVB, UVA; và chứa porphyrin, bilirubin 2 và pheomelanin hấp thu vùng ánh sáng xanh nhìn thấy. Sự chiếu xạ của da với bức xạ cực tím (UVR) ngày nay được biết là nguyên nhân chính gây ung thư da, ức chế miễn dịch cục bộ và hệ thống dẫn đến lão hóa da sớm. Những thay đổi phần lớn liên quan đến tất cả các phần của lớp trung bì và phần giao nhau của biểu bì và trung bì. UVR được chứng minh là gây phá hủy DNA trực tiếp và gián tiếp qua sự mất cân bằng oxy hóa. Nó kích thích tăng sản xuất các gốc oxy hoạt động (ROS) dẫn đến viêm cục bộ và thoái hóa các mô liên kết. Làm tăng sản xuất các endopeptidase như matrix metalloproteinases (MMPs) dẫn đến phá hủy chất nền ngoại bào (ECM). Sự thay đổi của ECM dẫn đến hình thành nếp nhăn, cùng với mất độ ẩm và độ đàn hồi, tăng sự mỏng manh của da và suy yếu sự hồi phục các tổn thương. Hơn nữa, UVR làm tổng hợp các neuropeptide khác nhau (hợp chất P, calcitonin gene-related peptide, propiomelanocortin, …) dẫn đến suy giảm miễn dịch và lão hóa sớm. UVR làm giảm chức năng hàng rào bảo vệ da và phá hủy cân bằng nội môi. Ánh sáng mặt trời ảnh hưởng đến làn da của con người không chỉ qua UVR mà còn qua các bức xạ hồng ngoại (IRR) và sự kết hợp đồng thời của chúng. IRR là bức xạ nhiệt. Quan sát thấy rằng nhiệt độ của da người đo bên trong lớp trung bì tăng từ 40-430C trong vòng 15-20 phút sau khi tiếp xúc trực tiếp ánh sáng mặt trời giữa trưa mùa hè. Nhiệt là một trong những yếu tố môi trường khuếch đại ảnh hưởng của UVR, tăng cường sự hình thành mạch và sự mất nước cùng lúc. Các lipid của da có thể cũng bị phá hủy bởi nhiệt dẫn đến phá hủy các hàng rào biểu bì. Ngoài ra, sự thoái hóa của các carbohydrate làm biến đổi môi trường thẩm thấu và tăng sự mất nước. Thậm chí nếu da dường như không bị ảnh hưởng bởi bức xạ mặt trời, tăng mất nước qua da (TEWL) là một dấu hiệu và sự kích thích dây thần kinh tận cùng. Điều kiện khí hậu khác có thể tăng tình trạng mất nước. Ở người lớn tuổi, da thường khô, xuất hiện teo da tổng thể và giảm số lượng của sợi collagen và các sợi đàn hồi. Vì vậy, phơi nắng kéo dài có thể làm trầm trọng thêm tình trạng da hiện tại, thúc đẩy sự lão hóa. Dưới ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời, cơ thể người tăng sản xuất mồ hôi. Các lớp sừng của da phồng lên và lỏng lẻo, tạo thuận lợi cho sự xâm nhập của các bức xạ vào lớp biểu bì. Phản ứng cấp tính với bức xạ mặt trời bao gồm ban đỏ, phù nề sau tẩy da chết, biểu bì dày lên, tùy thuộc vào liều lượng tiếp xúc. Ban đỏ xuất hiện từ 2-4 giờ sau khi chiếu xạ, nhiều nhất từ 24-48 giờ, và sau đó dần dần biến mất. Đau – dạng nhạy cảm khi sờ, thường trễ trong vài giờ sau khi phơi nắng. Da có thể hạn chế được cường độ của bức xạ mặt trời chỉ ở một giới hạn cho phép. Bảo vệ bằng mỹ phẩm chống nắng, mặc dù phần nhiều hạn chế được những ảnh hưởng của UVR nhưng cũng không hoàn toàn bảo vệ khỏi sự phá hủy DNA. Sự hư hỏng nhỏ có thể được phục hồi ngay lập tức, nhưng để hồi phục cần có thời gian. Do đó, một khoảng thời gian nghỉ ngơi đầy đủ, ít nhất 12 giờ, cần được thực hiện trước khi tiếp xúc lại với ánh nắng. CHĂM SÓC DA SAU KHI ĐI NẮNG Sau khi phơi nắng cường độ cao, da cần được chăm sóc hoặc điều trị thích hợp. Thậm chí sau khi phơi nắng mà không có bất kỳ dấu hiệu ban đỏ, việc chăm sóc da thích hợp cần được đề nghị. Trong trường hợp cháy nắng, việc điều trị là cần thiết. Bước đầu tiên sau mỗi lần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, da nên được rửa sạch bằng nước ấm để loại bỏ mồ hôi và bụi bề mặt. Sau đó, làn da cần được xử lý đúng với quy trình chăm sóc da chung: làm sạch, truyền sức sống và duy trì trạng thái cơ bản của làn da. Để làm sạch, các chất diện hoạt ít tương tác với lipid và protein của da thì phù hợp. Các sản phẩm giúp cân bằng pH trung tính cho da, làm dịu da và tác nhân làm ẩm như lipid, chất giữ nước, chất duy trì độ ẩm làm giảm đến mức tối thiểu tác động với hàng rào biểu bì, do đó làm giảm các tổn thương da. Thử nghiệm lâm sàng gần đây trên sữa rửa mặt hàng đầu cho thấy dạng sửa rửa mặt không tạo bọt và làm mềm vô cùng dịu cho da và có hiệu quả. Để truyền sức sống và duy trì tình trạng khỏe mạnh của da, việc chăm sóc da đúng cách rất quan trọng sau khi phơi nắng. Khôi phục lại hàng rào hydro-lipid của da là việc bắt buộc. Các công thức có chứa chất dưỡng ẩm như sodium lactate, urê, glycerine, panthenol,… phù hợp nhất. Công thức dạng nước trong dầu hút giữ nhẹ có khả năng tăng hiệu quả làm ẩm bằng cách làm giảm thiểu sự mất nước qua da. Tuy nhiên, chúng nên được sử dụng sau bước làm mát và giảm kích ứng của nắng với công thức dầu trong nước đã được chỉ định. Gần đây, việc sử dụng chất béo sinh lý giống của da hoặc phức hợp chất béo tìm thấy từ tự nhiên trong nhũ tương lipid thích hợp và tỷ lệ phân tử đã được tính toán để thuận lợi trong việc khôi phục những ảnh hưởng của da, chức năng hàng rào bảo vệ và độ ẩm da. CHẾ PHẨM DÙNG SAU KHI ĐI NẮNG VÀ CÁC THÀNH PHẦN HOẠT ĐỘNG Phần lớn các chế phẩm dùng sau khi tiếp xúc nắng là dạng nhũ tương (sữa, kem, và dạng xịt) hoặc các gel có chứa chất làm ẩm và các hoạt chất được biết đến với hiệu quả chống viêm và chống oxy hóa. Thành phần hoạt chất thường có nguồn gốc thực vật như azulene hoặc bisabolol (từ hoa cúc), glycyrrhizin (từ rễ cam thảo), sản phẩm chưng cất hamamelis (hazel), hoặc chiết xuất từ lô hội hoặc hoa cúc. Bên cạnh đó, các hợp chất như allantoin, panthenol, menthol, jojoba, collagen, các amino acid, acid béo không bão hòa và các vitamin tan trong chất béo như retinol (vitamin A) và vitamin E cũng được tìm thấy. Công thức có chứa tác nhân gây co mạch và / hoặc làm nâu da hoặc làm săn da (tannin) được sử dụng để làm giảm bớt nhiệt và cảm giác căng do ban đỏ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng các chất làm se có hiệu lực mạnh (sự kết tủa protein), sử dụng các chế phẩm đó trên da có sắc tố bất thường hoặc da người cao tuổi lại không được khuyến khích. Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh hiệu quả của các chất phân tử đặc biệt bảo vệ khỏi tác hại của ánh sáng. Các chất đầu tiên đối kháng, điều chỉnh hoặc đảo ngược các thành phần hóa học của da đưa ra triển vọng trong việc cung cấp các lợi ích điều trị. Nói chung, các thành phần hoạt động được sử dụng trong các chế phẩm sau phơi nắng có thể được chia thành các chất dưỡng ẩm, các hợp chất chống viêm, các chất chống oxy hóa và các thành phần khác. Chất dưỡng ẩm Tên gọi “dưỡng ẩm” được định nghĩa không rõ ràng và có thể được sử dụng để định nghĩa cho công thức bôi lên da hoặc các thành phần phối hợp đưa vào công thức. Chất dưỡng ẩm là các thành phần mỹ phẩm cổ điển được biết đến dùng để giảm các dấu hiệu và triệu chứng da khô, da có vảy. Chắc chắn rằng các chất dưỡng ẩm hiệu quả là những thành phần quan trọng để sử dụng sau khi phơi nắng cho những lý do được mô tả trước đó. Chất chống viêm Các thành phần như dexpanthenol, azulene, acid glycyrrhetinic, bisabolol, allantoin được phối hợp đưa vào công thức dùng sau khi đi nắng nhằm làm giảm ban đỏ và các triệu chứng của cơn đau, đỏ và cháy nắng. Hiệu quả của những chất này nhìn chung còn kém. Ví dụ như dexpanthenol đã được chứng minh làm giảm bớt khô, da bị viêm trong một mô hình thử nghiệm kích thích da do rửa lặp đi lặp lại. Nó cải thiện sự hydrat hóa lớp sừng, ổn định chức năng hàng rào biểu bì và cho thấy hiệu quả kháng viêm. Sự kết hợp thuộc tính chống viêm và hydrat hóa da trong cùng phân tử chắc chắn rất hiệu quả để sử dụng sau khi đi nắng. Tuy nhiên, hiêu quả hơn vẫn là những chất thuộc da hoặc các chất làm se. Chúng làm giảm ngứa và có tác dụng gây tê cục bộ. Hamamelis (Witch Hazel) Khoảng một thời gian dài, hamamelis (witch hazel) đã được sử dụng trong y học nguồn gốc tự nhiên. Tại Hoa Kì, hamamelis được chấp thuận như một chất làm se trong giảm đau ngoại vi và bảo vệ da. Tại Đức, chiết xuất hamamelis được chấp thuận để điều trị các vết thương nhỏ ngoài da và viêm da cục bộ. Chiết xuất từ lá hoặc từ vỏ cây, cũng như sản phẩm chưng cất của hoa được sử dụng chính. Thành phần chính của dịch cất là chất thuộc da cũng như các flavonoid và các dầu thiết yếu. Gallotannine và proanthocyanidin làm co khít màng ngoài của da. Flavonoids được biết đến với tác dụng chống viêm trên da. Trong một số nghiên cứu, tác dụng chống viêm và ức chế ban đỏ của hamamelis đã được chứng minh, thậm chí khi sử dụng lượng thấp hơn so với một công thức có chứa hydrocortisone. Tuy nhiên, các loại kem là sản phẩm chưng cất của hamamelis cho thấy hiệu quả tương tự như gel kháng histamin có chứa 0,1% dimethindene maleate. Do hamamelis có độc tính thấp và không có các tác dụng không mong muốn nên thích hợp dùng sau khi đi nắng. Acid polyhydroxy Các acid polyhydroxy (PHAs) là một dạng đặc biệt của AHA (acid alpha-hydroxyl) để điều chỉnh sự hình thành keratin, bình thường hóa việc tẩy tế bào chết của lớp sừng, độ dày, và tình trạng nguyên vẹn của hàng rào do các tác động gián tiếp bởi nhóm alpha-hydroxy. Ngoài ra, PHAs được nhận thấy là ít gây kích ứng cho da hơn AHAs truyền thống chủ yếu là do kích thước lớn hơn. Vì lý do này, PHAs cung cấp một lợi thế rõ ràng hơn AHAs (axit glycolic và acid lactic) khi được sử dụng trên làn da nhạy cảm hoặc bị kích ứng. Ngoài ra, nhiều PHAs là các chất giữ ẩm mạnh, một vài PHAs như gluconolactone, axit lactobionic và glucoheptonolactone cũng có tác dụng chống oxi hóa. Thông qua phản ứng tạo phức với các kim loại có khả năng thúc đẩy quá trình oxi hóa, PHAs cho thấy lợi ích trong việc bảo vệ da khỏi sự phá hủy của UVR. Các hợp chất làm mát Menthol và các chất làm mát liên quan như camphor, alcohol và các hợp chất khác được sử dụng rộng rãi trong mỹ phẩm, đặc biệt trong các sản phẩm dùng sau đi nắng. Tính làm mát và bay hơi của menthol đã được chứng minh nhiều lần. Green đã chứng minh rằng menthol tăng cường cảm giác nghịch lý của da. Trong nghiên cứu của Yosipovitch et al. menthol có tác dụng làm mát kéo dài đến 70 phút ở hầu hết những người tình nguyện. Tuy nhiên, nó không tác động đến ngưỡng đau do nhiệt và lạnh. Green và Schoen nhận thấy sự tiếp xúc động lực học có thể ngăn chặn cảm giác lạnh ở trạng thái ổn định từ menthol, chứng tỏ tác động theo hai phương thức của menthol. Alcohol gây ra một cảm giác mát lạnh thoáng qua và làm giảm ngưỡng của cảm giác lạnh Điều này chủ yếu là do sự bốc hơi nhanh chóng của nó. Do đó, việc kết hợp của những chất làm mát như menthol, alcohol sử dụng sau khi đi nắng có hiệu quả vì chúng làm dịu và giảm bớt những cảm giác nóng ấm và căng của da bị kích thích bởi ánh nắng mặt trời, ít nhất là trong một thời gian ngắn. Chất chống oxy hóa Da con người có chứa các chất chống oxy hóa khác nhau như các chất thân dầu (vitamin E với các thành phần hoạt động tocopherol và tocotrienol, các ubiquinone – coenzyme Q10, các carotenoid, vitamin A cũng như các chất thân nước (vitamin C, acid uric, glutathione) và các enzyme chống oxy hóa (catalase,..). Là lớp da tiếp xúc với môi trường nhiều nhất, lớp sừng có thể đem lại lợi ích đặc biệt, làm tăng khả năng chống oxy hóa bằng cách bổ sung tại chỗ. Trong khi hiệu quả của ứng dụng chống oxy hóa tại chỗ để bảo vệ khỏi tia UVR được chứng minh trong nhiều nghiên cứu, hiệu quả của các thuốc này sau khi da bị kích thích thể hiện không rõ ràng. Do đó, việc sử dụng chất chống oxy hóa sau khi đi nắng nhằm bổ sung thêm các chất chống oxy hóa cạn kiệt, thúc đẩy hay củng cố hệ thống phòng thủ chống oxy hoá của lớp sừng. Với mục đích này, các chất như vitamin A, C và chuỗi vitamin E, các ubiquinone (coenzyme Q10) và polyphenol từ trà xanh (catechin), nho (resveratrol), lựu (anthocyanidin và tannin hydrolizable) hoặc đậu nành (genistein) hiện nay được kết hợp trong nhiều chế phẩm sau khi đi nắng. Chiết xuất trà xanh được quan tâm ở khía cạnh này vì một số nghiên cứu có giá trị cho thấy tác dụng bảo vệ khỏi tác hại của ánh nắng và hoạt tính chống viêm sau khi dùng tại chỗ. Sự bảo vệ chống lại tia UVA cũng được chứng minh. Thành phần hóa học chính của trà xanh là các polyphenol có chứa epigalocatechin (EGC), epicatechin (EC), epicatechin-3-gallate (ECG), epigalocatechin gallate (EGCG). EGCG được cho thấy giảm UV gây sinh ung thư ở chuột. Hơn nữa, các nghiên cứu gần đây cho thấy các polyphenol trong trà xanh hòa giải gần như có thể UV có tác dụng bảo vệ thông qua cảm ứng sửa chữa DNA. Các thành phần khác Bơ hạt mỡ (shea butter) Bơ hạt mỡ có thể được kết hợp trong các phần lipid của các công thức dùng sau khi đi nắng. Bơ hạt mỡ chứa thành phần không xà phòng hóa cao gồm các alcol terpenic và các sterol được tìm thấy hầu như chỉ là các este của axit cinnamic. Chúng giúp bơ hạt mỡ có đặc tính chữa bệnh như việc loại bỏ các kích ứng bề mặt và ban đỏ. Các thành phần không xà phòng hóa cũng chứa 5-10% các phytosterol giúp hoạt hóa kích thích sự tăng trưởng của tế bào. Hơn nữa, bơ hạt mỡ có chứa chất chống oxy hóa mạnh butylated hydroxytoluene cũng như các hợp chất catechin khác nhau. Bơ hạt mỡ là một thành phần không độc hại và không gây kích ứng có chứa lượng lớn glycerid không bão hòa chống lại tia UV. Nó cũng chứa acid linoleic. Các nghiên cứu lâm sàng trên bơ hạt mỡ cho thấy tác dụng bảo vệ, tái tạo, làm lành vết thương, và giảm nếp nhăn. Nó giúp giữ ẩm, làm dịu, chống lão hóa, đặc tính chống viêm và giúp đào thải hiệu quả các thành phần hoạt động. Dầu ô liu Dầu ô liu extra virgin (EVOO) thu được từ toàn bộ quả, rất giàu các hợp chất phenolic có hoạt tính chống ROS mạnh. Gần đây, người ta đã phát hiện ra rằng EVOO được quét trên da chuột ngay sau khi bức xạ UVB, làm chậm đáng kể sự khởi phát và giảm số lượng ung thư da và ung thư và tổn thương DNA do ROS gây ra. Đáng chú ý là điều trị trước với EVOO và điều trị trước hoặc sau với dầu ô liu thường xuyên không làm chậm hay giảm ung thư da khi ở chuột được chiếu xạ UV. Trong số các thành phần dầu ô liu được thử nghiệm, oleuropein được cho thấy giảm sự phá hủy da do ROS gây ra. Những kết quả này cho thấy thoa dầu ô liu tại chỗ sau khi đi nắng ở người có thể ngăn chặn hình thành ung thư da bằng cách giảm sự phá hủy DNA do ROS gây ra. Các chất phân tử bảo vệ khỏi tác động của ánh sáng Dựa trên cơ sở sự tham gia gây bệnh của nhóm mang màu ở da bị phá hủy bởi ánh sáng, kỳ vọng rằng sự đối kháng phân tử của trạng thái hấp thu năng lượng cung cấp một cơ hội điều trị tiềm năng để bảo vệ da khỏi tác động của ánh sáng. Hai nhóm của các chất này có thể được phân biệt trên cơ sở cơ chế hoạt động của chúng: đối kháng trực tiếp sự hấp thu năng lượng quá mức (kem chống nắng, chất ức chế trạng thái hấp thu năng lượng, chất chống oxy hóa, điều hòa quá trình oxi hóa khử và thuốc ức chế phản ứng glycation (đường bám vào protein của da) và giảm chiếu xạ (chất hoạt hóa yếu tố 2 (Nrf2) liên quan yếu tố 2 nhân hồng cầu, gây phản ứng shock nhiệt và gây cảm ứng metallothionein). Trong nhóm đầu, các quencher đáng được đề cập một cách rõ ràng hơn khi nhiều chất của chúng được phép sử dụng trong mỹ phẩm. Các quencher là những hợp chất có khả năng bất hoạt trạng thái hấp thu năng lượng bằng sự tương tác vật lý hay hóa học trực tiếp. Các quencher vật lý có thể trải qua các chu kỳ lặp đi lặp lại của sự bất hoạt trạng thái kích thích mà không có sự suy yếu hóa học hay nhu cầu tái sinh chuyển hóa đại diện cho một nhóm tiêu biểu của các hợp chất. Ví dụ về các quencher như là vitamin E, ascorbate, L-proline, L-proline methylester, carotenoids (lycopene, lutein, và zeaxanthin), ectoine bảo vệ thẩm thấu của vi sinh vật. Ectoine được sử dụng như một chất dưỡng ẩm mạnh với nhiều loại sản phẩm khác nhau trên thị trường. Một vài nghiên cứu đã chứng minh rằng khi bôi ngoài, tính nhạy DNA của vi khuẩn khôi phục lại enzym T4 endonuclease V (T4N5) có thể bảo vệ làn da của con người từ sự phá hủy DNA gây ra bởi UVR. Mặc dù cả phản ứng nám lẫn sự hình thành các tế bào cháy nắng cực nhỏ đều không bị ảnh hưởng bởi điều trị T4N5 nhưng sự điều chỉnh của interleukin 10 và yếu tố alpha gây hoại tử khối u cần được ngăn chặn. Lotion liposomal được dùng sau khi chiếu xạ, do đó như một sản phẩm dùng sau khi đi nắng. Một thí nghiệm khác ở những bệnh nhân mắc chứng khô da sắc tố cho thấy enzym T4N5 làm giảm đáng kể tỷ lệ của các tổn thương mới ở những bệnh nhân có khiếm khuyết trong cơ chế khôi phục DNA. Phát hiện đáng lưu ý là tỷ lệ bệnh dày sừng quang hóa mới và ung thư biểu mô tế bào đáy không tăng trong sáu tháng tiếp theo sau khi ngừng điều trị. Điều này có thể gợi ý cho việc điều trị T4N5 thay đổi hoàn toàn nguồn gốc cơ bản và phổ biến của các khối ung thư, và không còn là chỉ đơn thuần là điều trị thẩm mỹ. Phương pháp thứ hai tương tự như phương pháp đầu nhưng sử dụng một enzyme khôi phục DNA khác. Các photolyase là các enzyme khôi phục DNA được tìm thấy trong cá hoặc sinh vật nhân sơ và thường không hiện diện trong da của con người. Chúng liên kết với các dime cyclobutan-pyrimidine sau khi chúng hình thành do tác động của UVR. Các phức hợp enzym này cộng với dimer được kích hoạt bởi ánh sáng trong khoảng 300-500 nm và gây ra tiến trình khôi phục DNA. Tương tự, các photolyase từ tảo xanh Anacystis nidulans chuẩn bị từ Escherichia coli biến đổi gen được chứa trong các liposome và bôi tại chỗ sau khi chiếu xạ. Sau một chiếu xạ mới với ánh sáng hoạt động ở 365 nm, ghi nhận đã làm giảm 40-45% của các dime cyclobutan-pyrimidine. Tương tự như vậy, nhận thấy có hiệu quả rõ ràng trên sự suy giảm miễn dịch và trên các biểu hiện tiền viêm ICAM-1, được giảm rõ khi có chiếu xạ UVR, tuy nhiên mức giảm được đối kháng bằng cách điều trị enzym tại chỗ. Ứng dụng tại chỗ của các chất phân tử bảo vệ khỏi tác động của ánh sáng là phương pháp đầy triển vọng giúp phòng chống ung thư da và hoàn toàn tương thích với yếu tố của các sản phầm dùng sau khi đi nắng. Do đó, có thể kết hợp các chất chống oxy hóa để cung cấp cho lớp sừng enzym T4N5 nhằm ngăn chặn sự hình thành của các dime cyclobutan-pyrimidine. Sau đó, cung cấp độ ẩm và chăm sóc da với photolyase để khôi phục lại những thay đổi của DNA trước đó. Lotion liposomal có chứa photolyase đã có mặt trên thị trường ở Đức. KẾT LUẬN Chăm sóc da sau khi đi nắng một cách thích hợp là việc làm cần thiết để hỗ trợ quá trình tái tạo tự nhiên của da sau bị kích thích. Làm sạch nhẹ, làm mát, giữ ẩm và chăm sóc da thuộc về những vấn đề thiết yếu của quy trình chăm sóc da đúng cách sau khi đi nắng. Trong những năm qua, rất nhiều nghiên cứu đã thành công trong việc tìm ra những cách thức để ngăn chặn hoặc khôi phục các tổn thương của da do mặt trời gây ra nhằm ngăn ngừa ung thư da. Trong số các hợp chất được nghiên cứu, chất chống oxy hóa và các chất phân tử bảo vệ khỏi tác động của ánh sáng dường như hứa hẹn nhất cho các ứng dụng trong tương lai của các sản phẩm. Tuy nhiên, các thành phần có tác dụng kép cho thấy tính chất lọc tia UV cũng như tính chất khôi phục tổn thương chắc chắn là một sự thay thế có giá trị. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng caffeine cũng như caffeine benzoate gây ra sự chết của tế bào, do đó làm giảm xác suất của các tế bào bị chiếu xạ có khả năng biến nạp dẫn đến ung thư , trong khi có tác dụng chống nắng cùng lúc.