Các chất dưỡng ẩm (Phần 3)

 

CÁC CHẤT LÀM MỀM

Đây là những chất bổ sung vào mỹ phẩm để làm mềm và làm mịn da. Chúng thực hiện chức năng bằng cách lắp đầy các khoảng trống giữa các tế bào sừng đang bong tróc để tạo ra bề mặt mịn màng. Những sản phẩm này làm gia tăng độ kết dính giúp làm bằng phẳng các mép cong của các tế bào sừng. Điều này giúp tạo ra một bề mặn mịn màng với ít ma sát hơn và khúc xạ ánh sáng lớn hơn. Nhiều chất làm mềm da có vai trò như các chất hút ẩm và khóa ẩm. Lanolin, dầu khoáng và petrolatum là các ví dụ cho các thành phần khóa ẩm đồng thời cũng cho hiệu quả làm mềm.

CÁC THÀNH PHẦN CỦA HÀNG RÀO BẢO VỆ DA

Trong nhiều năm, các nghiên cứu đã xem xét việc ứng dụng các thành phần lipid của hàng rào bảo vệ, các ceramide, cholesterol và các acid béo để cải thiện chức năng hàng rào bảo vệ da và sau đó là tính hydrat hóa của làn da. Vào năm 1993, Man và cộng sự đã cho thấy rằng ceramide cùng với acid béo khi được sử dụng mà không có cholesterol làm chậm sự hồi phục hàng rào bảo vệ da. Ngoài ra, 2 hỗn hợp khác của cholesterol cộng với acid béo hoặc cholesterol cộng với ceramide làm chậm quá trình sửa chữa lại hàng rào bảo vệ. Những hỗn hợp chưa hoàn chỉnh này dẫn đến sự bất thường của lớp màng kép nội bào ở lớp sừng. Ngược lại, các hỗn hợp ceramide hoàn chỉnh, acid béo và cholesterol (3 thành phần lipid chính) cho phép hồi phục chức năng hàng rào bình thường. Các nghiên cứu ở chuột 10 tuần tuổi và ở người 20-30 tuổi đã cho thấy rằng sử dụng hỗn hợp cholesterol, các ceramide và các acid béo tự do thiết yếu/ không thiết yếu (FFAs) ở một tỷ lệ đẳng phân tử cho phép hồi phục chức năng bình thường của hàng rào bảo vệ trong khi ở tỷ lệ 3:1:1:1 lại giúp đẩy nhanh tốc độ hồi phục. Hiện nay, vai trò của các chất dưỡng ẩm sửa chữa hàng rào tốt nhất là cung cấp những thành phần quan trọng này ở tỷ lệ 3:1:1:1.

CÁC THÀNH PHẦN COLLAGEN VÀ POLYPEPTIDE

Nhiều kem dưỡng ẩm đắt tiền có chứa collagen và một số nhà sản xuất tuyên bố là các collagen trong các công thức như vậy có thể thay thế các collagen bị mất trong suốt quá trình lão hóa. Tuyên bố này là không có sơ sở, bởi vì hầu hết các chiết xuất collagen có trọng lượng phân tử từ 15000-50000 dalton. Chỉ có các chất có trọng lượng phân tử 5000 dalton hoặc ít hơn mới có thể thâm nhập qua lớp sừng. Sự phổ biến của những sản phẩm này có thể xuất phát từ thực tế là collagen và các protein đã thủy phân khác và các polypeptid tạo một lớp màng lắp đầy vào bề mặt không đều của da. Một khi sản phẩm khô, các màng protein co lại nhẹ giúp làm căng các vết nhăn mịn trên da. Tất nhiên, hiệu quả này chỉ tạm thời nhưng có thể được tăng cường bằng cách thêm các chất hút ẩm để tiếp tục làm đầy tạm thời các vết nhăn nhỏ. Những sản phẩm này thường được ghi nhãn như các kem làm săn cũng như kem dưỡng ẩm mặc dù chúng chỉ có ít hoặc không có các tác dụng trên sự mất nước xuyên biểu bì.

ACID HYALURONIC

Acid hyaluronic (HA) là một đường hút ẩm có thể giữ nước gấp 1000 lần trọng lượng phân tử của nó. Nó là glycosaminoglycan phong phú nhất được tìm thấy trong lớp hạ bì của người. Sự phổ biến của các chất làm đầy HA gần đây để tiêm vào lớp trung bì nhằm sữa chữa các nếp nhăn đã dẫn đến tình trạng dư thừa các kem dưỡng ẩm có chứa HA trên thị trường. HA có chức năng như một chất dưỡng ẩm trên bề mặt da. Trái ngược với nhiều tuyên bố trên thị trường, nó không thể thâm nhập vào lớp biểu bì và đi vào trung bì khi sử dụng tại chỗ.

CÁC THÀNH PHẦN TỰ NHIÊN

Bột yến mạch

Yến mạch dại (Avena sativa) đã được sử dụng hơn 2000 năm trong y học dân gian truyền thống, đặc biệt là thuốc đắp hoặc ngâm. Toàn bộ bột yến mạch được cho là có bản chất bảo vệ và hoạt tính chống oxy hóa, ức chế tổng hợp prostaglandin và có khả năng làm sạch. Một hợp chất yến mạch khác, yến mạch beta-glucan được cho là có khả năng điều hòa miễn dịch. Các protein yến mạch đem lại nhiều tác động có lợi bao gồm hoạt tính nhũ hóa, hoạt tính giữ chất béo, khả năng hydrat hóa, tính tạo bọt thấp và hoạt tính chống oxy hóa. Người ta cho rằng các lipid yến mạch ảnh hưởng đến độ nhớt và giảm mất nước xuyên biểu bì. Trong nhiều thập kỷ, hỗn dịch keo hạt yến mạch đã được sử dụng để hỗ trợ trong điều trị viêm da dị ứng. Các lợi ích tốt hơn thường được nhận thấy khi sử dụng các phân đoạn yến mạch hơn là bột yến mạch, và bột yến mạch keo đã thay thế yến mạch cán và bột yến mạch trong các sản phẩm chăm sóc da. Đáng chú ý là bột yến mạch đã được chứng minh có đặc tính giữ ẩm và kháng viêm. Trong một nghiên cứu trên 12 đối tượng khỏe mạnh, các nhà nghiên cứu đánh giá hoạt tính kháng viêm của 2 chiết xuất bột yến mạch được sử dụng tại chỗ (Avena sativa và Avena rhealba), sử dụng mô hình kích ứng sodium lauryl sulfate, nhận thấy rằng cả 2 chiết xuất đều cho hiệu quả phòng ngừa trên da. Điều thú vị là bột yến mạch là một trong số ít các sản phẩm thiên nhiên hoặc nguồn gốc thực vật được FDA ghi nhãn là một chất bảo vệ da hiệu quả.

Bơ hạt mỡ

Được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm mỹ phẩm như một chất dưỡng ẩm, đặc biệt như một chất làm mềm, bơ hạt mỡ (Butyrospermum parkii) là một chất béo tự nhiên có nguồn gốc từ hạt mỡ hoặc cây karite, mọc tự nhiên trên khắp 19 quốc gia châu Phi. Gần đây cho thấy bơ hạt mỡ có hoạt tính kháng viêm. Bao gồm chủ yếu là oleic và các acid stearic, bơ hạt mỡ cũng có chứa tỷ lệ phần trăm cao các unsaponifiable nhiều hơn các dầu thực vật khác. Bơ hạt mỡ có trong các sản phẩm chăm sóc da và tóc khác nhau, đặc biệt là các sản phẩm da cao cấp, cho các lợi ích làm mềm phong phú và giúp duy trì độ ẩm, và để cung cấp các lợi ích như các chất dưỡng ẩm bổ trợ trong điều trị các tình trạng da như viêm da dị ứng, da khô, mụn, sẹo và rạn da.

CÁC THÀNH PHẦN KHÁC

Nhiều chất dưỡng ẩm có chứa các chất chống oxy hóa như vitamin C, E, coffeeberry, trà xanh và coenzym Q10. Đây là những thành phần phổ biến vì các chất chống oxy hóa này được cho là làm giảm nồng độ các gốc tự do tấn công da và các tổ chức liên quan, một quá trình được cho là đóng góp vào lão hóa da. Niacinamide và đậu nành cũng là các chất bổ trợ phổ biến trong các kem dưỡng ẩm. Thành phần quan trọng khác là glycyl-L-histidyl-L-lysine-Cu2 (GHK-Cu), một phức tripeptid đồng được tìm thấy trong nhiều kem dưỡng ẩm. Glycyl-Lhistidyl-lysine là một tripeptid trong tự nhiên có ái lực cao với đồng, được phân lập ban đầu từ huyết tương của người. Peptide đồng đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều năm để tăng cường quá trình hồi phục vết thương. Phức GHK-Cu đã được chứng minh có tác dụng tăng cường sự tổng hợp collagen và tăng lượng các proteoglycan sulfate trong mô nuôi cấy nguyên bào sợi cũng như các mô hình vết thương động vật thí nghiệm. Ngoài ra, nó đóng một vai trò trong việc sửa chữa mô bằng cách gia tăng nồng độ matrix metalloproteinase-2 (MMP-2) và các chất ức chế mô của MMPs (TIMP-1 và TIMP-2). Cơ chế tác động và nghiên cứu đằng sau sự phức tạp này đã dẫn đến sự phổ biến của nó trong các sản phẩm mỹ phẩm. Mặc dù một số thử nghiệm lâm sàng đã báo cáo sự cải thiện các đường nhăn mịn và các nếp nhăn với các sản phẩm bôi có chứa peptide đồng nhưng nhiều nghiên cứu vẫn được tiến hành để đảm bảo hiệu quả của peptid đồng là một chất chống lão hóa. Những sản phẩm mới tuyên bố tác động đến nồng độ canxi và kali đã được đưa vào thị trường. Những công thức như vậy có thể đóng vai trò trong việc duy trì chức năng hàng rào bảo vệ bởi vì sự dao động lượng Ca2+ và kali đã được chứng minh là ảnh hưởng đến chức năng hàng rào bảo vệ. Mặc dù những phát hiện này rất đáng khích lệ nhưng gần đây không có các nghiên cứu đánh giá hiệu quả của những sản phẩm này được xuất bản dạng sách hoàn chỉnh. Các thành phần mới liên tục được đưa vào thị trường bởi vì các công ty không ngừng tìm kiếm những điều mới, tuy nhiên, các dữ liệu lâm sàng thường không tồn tại hoặc vẫn chưa được công bố là dữ liệu độc quyền của các nhà sản xuất.

CÁC TÁC DỤNG PHỤ

Các chất dưỡng ẩm nhìn chung là rất an toàn với ít các báo cáo về tác dụng phụ. Viêm da dị ứng tiếp xúc có thể là do kết quả của việc sử dụng các chất bảo quản, chất tạo mùi, chất hòa tan, kem chống nắng và các thành phần chăm sóc da khác. Các thành phần có thể dẫn đến viêm da tiếp xúc gồm có chất tạo mùi, các chất bảo quản, propylen glycol, vitamin E và Kathon CG.

KẾT LUẬN

Trong khi mục đích cuối cùng của tất cả các chất dưỡng ẩm là để tăng cường trạng thái hydrat hóa của lớp sừng thì các thành phần dưỡng ẩm hoạt động theo những cách rõ ràng cụ thể. Các chất khóa ẩm bao phủ lớp sừng và giảm mất nước xuyên biểu bì, các chất hút ẩm kéo nước từ khí quyển và từ lớp biểu bì nằm dưới, hydrat hóa làn da, và các chất làm mềm giúp làm mềm và mịn da. Để giới thiệu các sản phẩm phù hợp nhất với da của bệnh nhân, các bác sĩ nên nắm rõ các danh mục riêng biệt của các thành phần dưỡng ẩm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *