Các chất dưỡng ẩm (Phần 1) Tháng Mười Hai 7, 2017Tháng Mười Hai 7, 2017RD Nghiên cứu độ ẩm đã được khởi xướng vào những năm 1950 khi Blank chứng minh rằng lượng ẩm thấp của da là yếu tố chính trong các tình trạng da khô. Trong 50 năm qua, nhiều nhà khoa học đã cống hiến cả đời để nghiên cứu độ ẩm và bắt đầu làm sáng tỏ những bí ẩn về sự hydrat hóa làn da. Hiện nay, chúng ta biết rằng các triệu chứng của da khô có thể được điều trị bằng cách gia tăng trạng thái hydrat hóa của lớp sừng (SC) với các thành phần hút ẩm hoặc khóa ẩm và bằng cách làm mịn bề mặt thô với chất làm mềm. Kem dưỡng ẩm được sử dụng phổ biến là các nhũ tương dầu/ nước như các dạng kem và lotion, và các nhũ tương nước/ dầu như các dạng kem bôi tay. Có 2 loại thành phần chính là các chất hút ẩm và các chất khóa ẩm. Một chất dưỡng ẩm tốt thường có chứa cả 2 thành phần này. Bài viết này sẽ đưa ra và thảo luận những cơ chế hoạt động của các thành phần chính được tìm thấy trong các chất dưỡng ẩm phổ biến. CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CHẤT DƯỠNG ẨM Có nhiều chất dưỡng ẩm trên thị trường nhưng tất cả chúng đều có vai trò như nhau: làm gia tăng lượng nước trong lớp sừng bằng cách ngăn chặn sự bay hơi nước từ da bằng các thành phần khóa ẩm hoặc gia tăng tính toàn vẹn của hàng rào bảo vệ da. Cơ sở chính của việc gia tăng tính toàn vẹn của hàng rào bảo vệ da có liên quan đến việc cung cấp các acid béo (như acid linoleic), các ceramid, cholesterol và kiểm soát gradient canxi. Gia tăng khả năng giữ nước của da là một chiến lược khác để dưỡng ẩm da. Việc tăng lượng yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên (NMF), glycerin (glycerol) và các chất dưỡng ẩm khác như acid hyaluronic sẽ giúp da giữ nước. Sau cùng, việc gia tăng khả năng lớp biểu bì trong việc hấp thu các thành phần quan trọng cho tuần hoàn như glycerol và nước thông qua các kênh aquaporin, cũng sẽ hỗ trợ gia tăng độ ẩm da. Hình 1. Acid linoleic CÁC CHẤT KHÓA ẨM Các chất khóa ẩm bao phủ lớp sừng để làm chậm sự mất nước xuyên biểu bì (TEWL). Chúng thường là các chất thân dầu có khả năng hòa tan chất béo và do đó được sử dụng rộng rãi như một thành phần trong các mỹ phẩm chăm sóc da. Chất khóa ẩm là một trong những lựa chọn tốt nhất để điều trị da khô bởi vì nó cung cấp hiệu quả làm mềm cũng như giảm TEWL. Hai thành phần khóa ẩm tốt nhất hiện nay là petrolatum và dầu khoáng. Petrolatum chống lại sự bay hơi nước 170 lần so với dầu oliu, tuy nhiên, petrolatum gây ra cảm giác nhờn. Các thành phần khóa ẩm khác được sử dụng phổ biến gồm có paraffin, squalene, dimethicon, dầu đậu nành, dầu hạt nho, propylen glycol, lanolin và sáp ong. Ngoài ra, các dầu tự nhiên như dầu hướng dương ngày càng phổ biến. Các chất khóa ẩm chỉ có hiệu quả khi hiện diện trên da, một khi đã được loại bỏ đi thì TEWL trở về như mức trước đó. Trong các chất dưỡng ẩm, các chất khóa ẩm thường được kết hợp với các thành phần hút ẩm. Petrolatum Petrolatum được xem là một trong những chất dưỡng ẩm tốt nhất. Nó đã được sử dụng như là một sản phẩm chăm sóc da từ năm 1872. Petrolatum là một hỗn hợp tinh chế của các hydrocarbon, có nguồn gốc từ dầu mỏ (dầu thô). Các phân tử hydrocacbon hiện diện trong petrolatum ngăn chặn quá trình oxy hóa, giúp lưu giữ petrolatum trong thời gian dài. Bởi vì petrolatum được biết đến là một trong những thành phần dưỡng ẩm khóa ẩm tốt nhất nên nó thường là tiêu chuẩn vàng để so sánh các thành phần hút ẩm khác. Petrolatum cũng được biết đến là mỹ phẩm không gây ra mụn. Mặc dù viêm da dị ứng tiếp xúc với petrolatum rất hiếm nhưng cũng được báo cáo trong các tài liệu. Khi sử dụng đơn độc, nhiều người nhận thấy kết cấu nhờn và có tính dầu của petrolatum làm cho mất tính thẩm mỹ khi sử dụng trên da. Do đó, petrolatum thường được kết hợp với các thành phần khác để giảm thiểu cảm giác nhờn. Lanolin Lanolin là một sản phẩm thiên nhiên phức tạp mà không thể tổng hợp được. Phương pháp tinh chế thường được sử dụng để xác định thành phần và chất lượng của sản phản phẩm cuối vì vậy không phải tất cả các sản phẩm lanolin đều biểu hiện các đặc tính giống nhau. Lanolin có nguồn gốc từ các chất tiết bã nhờn của cừu, tuy nhiên các thành phần của nó rất khác bã nhờn của con người. Lanolin có 2 đặc tính quan trọng với các lipid lớp sừng là: (1) lanolin có chứa cholesterol, một thành phần thiết yếu của các lipid sừng và (2) lanolin và các lipid lớp sừng có thể cùng tồn tại như các chất rắn và chất lỏng ở nhiệt độ sinh lý. Điều không may là có một số cá nhân xuất hiện nhạy cảm tiếp xúc với lanolin, do đó nhiều sản phẩm dưỡng ẩm hiện nay ghi nhãn “không chứa lanolin”. Những lo ngại về các phản ứng dị ứng với lanolin dẫn tới sự phát triển các sản phẩm lanolin cấp độ y khoa siêu tinh khiết như Medilan TM. Medilan và Medilan Ultra đã được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị eczema và hồi phục vết thương bề mặt. Các loại dầu Với sự gia tăng phổ biến của các thành phần tự nhiên và hữu cơ, các tinh dầu hiện nay được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm dưỡng ẩm hoặc bản thân chúng được xem như các chất dưỡng ẩm. Ngoài ra, các loại dầu dưỡng ẩm cũng có sẵn trên thị trường. Dầu là một chất lỏng ở nhiệt độ phòng và không hòa tan trong nước, nó kỵ nước và thân dầu. Trong thực tế, các loại dầu có chứa các lipid dồi dào mà da cần cho cấu tạo và chức năng của các màng tế bào nhằm ngăn chặn TEWL. Các dầu thực vật được ép ra từ hạt và các tinh dầu được bay hơi từ một số bộ phận của thực vật như thân, lá, rễ. Không phải tất cả các loại dầu đều có nguồn gốc thực vật. Dầu khoáng hoặc petrolatum lỏng có nguồn gốc từ việc chưng cất dầu mỏ trong sản xuất xăng dầu. Dầu khoáng Dầu khoáng là một trong các dầu thường được sử dụng nhiều nhất trong các sản phẩm chăm sóc da. Cách đây gần 20 năm, các nhà điều tra đã nhận thấy rằng nhũ tương chứa dầu khoáng hiệu quả hơn một số các nhũ tương acid linoleic trong việc làm giảm bớt sự mất hơi nước qua da. Vào năm 2004, một nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi và có kiểm soát cho thấy rằng dầu khoáng và dầu dừa tinh chất có hiệu quả như nhau và an toàn như các chất dưỡng ẩm trong điều trị da khô trên 34 bệnh nhân với lượng lipid bề mặt và độ hydrat hóa da tăng đáng kể ở cả hai nhóm. Dầu tự nhiên Các dầu tự nhiên có chứa các acid béo có vai trò quan trọng trong việc duy trì hàng rào bảo vệ da. Acid linoleic, một acid béo omega-6 hiện diện trong dầu hướng dương, dầu cây rum và các loại dầu khác, là một ví dụ cho acid béo thiết yếu mà phải được cung cấp trong khẩu phần ăn uống hoặc thông qua sử dụng tại chỗ. Ngoài việc cung cấp các lipid cấu trúc cần thiết cho tính toàn vẹn của hàng rào bảo vệ, acid linoleic được sử dụng bởi cơ thể để sản xuất ra acid γ-linolenic (GLA). GLA là một acid béo thiết yếu đa bất bão hòa quan trọng trong sản xuất các prostaglandin, do đó nó đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình viêm. Nhiều loại dầu và thực phẩm có chứa acid linoleic. Một số các dầu này được tìm thấy trong các sản phẩm chăm sóc da giúp cung cấp các acid béo trong khi cũng có chức năng như các chất khóa ẩm. Bảng 1. Các dầu và thực phẩm có chứa acid linoleic