Bao bì mỹ phẩm Tháng Mười Hai 29, 2017RD Những năm gần đây, thị trường mỹ phẩm ngày càng đa dạng về mẫu mã cũng như thành phần hoạt chất, một trong yếu tố thúc đẩy sự phát triển ấy là lớp vỏ ngoài hay nói cách khác, chính là bao bì mỹ phẩm. Hãy cùng hoahocmypham.com tìm hiểu về thành phần này. I. YÊU CẦU CHẤT LƯỢNG Mỹ phẩm sau khi được sản xuất tại các nhà máy, chất lượng phải được đảm bảo dưới những điều kiện môi trường khác nhau như: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, vi sinh vật… trong suốt quá trình bảo quản, vận chuyển và sử dụng. Ngoài ra, cần có sự tương thích giữa bao bì và thành phần bên trong, chất lượng và tính an toàn phải được đảm bảo. Vì vậy, đòi hỏi bao bì phải có những đặc tính cần thiết, đáp ứng yêu cầu khắc khe về chất lượng. Để đảm bảo chất lượng thành phần bên trong, bao bì mỹ phẩm cần phải: Tránh ánh sáng: các tia tử ngoại – khả kiến có khả năng xuyên qua (nếu lớp vỏ chứa trong suốt hoặc bán trong suốt) gây phân hủy hoặc biến đổi hoạt chất, thay đổi màu sắc, mùi của mỹ phẩm. Do đó, các chất tạo màu và các chất hấp thu tia UV thường được tích hợp trong các bao bì sản phẩm. Tránh thấm: một số bao bì nhựa khi để lâu, mỹ phẩm chứa bên trong có thể thấm ra ngoài (mùi hương) hoặc oxy không khí thấm vào trong, làm ảnh hưởng chất lượng. Mức độ thấm phụ thuộc vào loại nhựa được sử dụng, độ dày, thành phần và điều kiện môi trường bên ngoài. Vì vậy cần phải cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng bao bì nhựa cho các loại mỹ phẩm có khả năng thấm. Tránh gây tương tác thành phần bên trong: bao bì như thủy tinh kiềm có thể tác động gây biến đổi pH, lắng, phân hủy hoạt chất trong mỹ phẩm. Do đó, nên cân nhắc chọn thủy tinh có mực độ kiềm rửa giải thấp. II. PHÂN LOẠI Bao bì mỹ phẩm rất đa dạng về cách thức phân loại, trong phạm vi bài viết này, chúng được phân loại dựa trên hình dạng. 1. Lọ miệng hẹp Lọ đựng có phần miệng nhỏ hơn phần thân. Chiều rộng của miệng lọ được điều chỉnh phù hợp với độ nhớt của các thành phần bên trong, sao cho đạt yêu cầu về lượng mỹ phẩm mỗi lần lấy ra. Thường được sử dụng cho các sản phẩm dạng lỏng như kem dưỡng da, nước rửa, thuốc dưỡng tóc, nước hoa, sơn móng tay, dầu gội đầu… Vật liệu sản xuất được lựa chọn dựa trên khả năng cho ánh sang đi qua, tính thấm, tính tương thích…thường được làm bằng thủy tinh, chất dẻo như polyethylen (PE), polyethylen terephthalat (PETP) và polyvinyl clorua (PVC). 2. Lọ miệng rộng Nhìn chung, lọ miệng rộng có phần miệng gần bằng đường kính với phần thân. Thường được sử dụng cho các loại kem và gel. Các vật liệu chính thường sử dụng như: thủy tinh và các chất dẻo như polypropylen (PP), acrylonitril styren (SAN), polystyren (PS) và PETP. 3. Tuýp Tuýp là bao bì có thân gần hình trụ, phần đuôi được hàn kín, phần nắp đậy linh động. Thường được sử dụng để chứa thành phẩm dạng kem như: kem đánh răng, gel vuốt tóc, móng cũng như kem sữa. Vật liệu thường được sử dụng là nhôm, PE và nhựa nhiều lớp. Vì thành tuýp thường rất mỏng, do đó phải cẩn trọng trong việc lựa chọn vật liệu chế tạo thành, tránh thành phần bên trong có thể thẩm thấu hoặc chảy ra bên ngoài. Mỹ phẩm thường được nạp vào tuýp từ phía sau đuôi lên miệng tuýp, sau đó hàn kín bằng nhiệt, năng lượng tần số cao hoặc sóng siêu âm. 4. Tubular container (bao bì dạng ống) Bao bì có hình dạng dài, thon, mãnh. Thường được sử dụng cho mỹ phẩm kẻ mắt. Vật liệu thường dùng để sản xuất là nhựa, kim loại hoặc kết hợp cả hai loại trên. Phần nắp đậy thường kết hợp với trụ dài có phần đuôi là chổi, khi nắp xoay thì đồng thời đuôi chổi sẽ lấy một lượng mỹ phẩm vừa đủ dùng. Lượng mỹ phẩm lấy ra sẽ phụ thuộc vào đường kính, hình dạng của chổi. Chổi quét thường được làm bằng cao su hoặc PE. 5. Powder container (bao bì chứa thành phần dạng bột) Dụng cụ này dùng để chứa các loại bột thơm, talc, phấn em bé. Cấu tạo gồm phần thân và nắp đậy. Nắp này thường có các lỗ nhỏ và có khả năng xoay quanh trục cố định giúp đưa bột ra ngoài khi xoay. Bột được nạp thẳng vào phần thân chứa, trong thân cấu tạo 1 lớp lưới giúp sàng bột trước khi đưa ra ngoài sử dụng. Vật liệu chế tạo thường là nhựa PE, PS hoặc SAN. Lớp lưới thường là cotton, acrylic, polyester hoặc nylon. 6. Compact container (bao bì chứa thành phần dạng nén/đặc) Bao bì này thường dùng để chứa bột rắn hoặc các loại kem đặc, được nạp vào khay (phần thân dụng cụ). Cấu tạo gồm nắp có bản lề, kết dính vào phần thân. Bên trong nắp thường gắn gương, giúp thuận tiện việc trang điểm. Vật liệu dùng để sản xuất phổ biến là SAN, acrylonitril butadien styren (ABS), PS… Ngoài ra còn có các kim loại gồm đồng thau, đồng đỏ, nhôm và thép không gỉ. Ngày này, các bao bì loại này được cải tiến, phần thân có thể tháo rời khay ra hoặc cấu tạo dạng kín để ngăn chặn sự bốc hơi của các thành phần bên trong. 7. Stick container (bao bì dạng thỏi) Là một dạng bao bì mỹ phẩm dễ sử dụng và có tính linh động, thường tiếp xúc trực tiếp với da khi dùng (như son môi, kẻ mắt, phấn mắt, lăn khử mùi…). Mỹ phẩm được nén vào bên trong thân, thân được cấu tạo theo cơ chế xoay theo hình xoắn óc, khi dùng mỹ phẩm sẽ được đẩy ra ngoài. Vật liệu thường dùng là: kim loại (nhôm, đồng) và nhựa (SAN, PS, PP…). 8. Bút chì kẻ Bao bì dạng này được chia làm 2 loại: bút gỗ truyền thống và bút đẩy (không cần chuốt). Bút đẩy có thể thay các thành phẩm bên trong khác nhau phù hợp nhu cầu sử dụng. Thường gặp bút chì kẻ mắt, bút kẻ chân mày, bút kẻ môi… Vật liệu thường dùng để sản xuất là kim loại (nhôm, đồng thau), nhựa (POM)… III. VẬT LIỆU SẢN XUẤT Vật liệu dùng để sản xuất các loại bao bì mỹ phẩm thường rất đa dạng về thành phần chủng loại cũng như chất lượng, tùy thuộc vào loại mỹ phẩm và giá trị thẩm mỹ mà nhà sản xuất muốn hướng đến. Có loại vật liệu chính thường gặp là: nhựa, thủy tinh và kim loại. 1. Nhựa Nhựa được sử dụng rộng rãi bởi sự đa dạng về hình dáng, màu sắc, dễ chế biến cũng như dồi dào về số lượng. Nhựa được chia làm 2 loại: nhựa nhiệt rắn và nhựa nhiệt dẻo, tùy mục đích sử dụng mà ta lựa chọn loại nhựa phù hợp. Nhựa nhiệt rắn: giữ nguyên hình dạng khi gia nhiệt lần 2, khi đun với nhiệt lượng quá cao, hệ thống liên kết sẽ bị đứt gãy, phá hủy kết cấu không hồi phục. Nhựa nhiệt dẻo: khi đun sẽ chảy thành dạng lỏng, nguội lại sẽ chuyển thành thể rắn, quá trình trên có thể lặp đi lặp lại mà không ảnh hưởng kết cấu nhựa. Do đó, vật liệu này linh động trong việc chế tạo thành các hình dạng khác nhau. – Polyethylen tỷ trọng thấp (low density polyethylene – LDPE): bán trong suốt, nhẵn bóng, mềm dẻo. Thích hợp việc sản xuất chai lọ chịu lực nén ép, tuýp, nút chai. Nhược điểm: có thể bị phá hủy bởi cồn và chất diện hoạt. – Polyethylen tỷ trọng cao (highdensity polyethylene – HDPE): có màu trắng đục, gần như trong suốt. Thích hợp cho việc sản xuất chai lọ chứa lotion, sữa tắm, nước súc miệng… – Polypropylen (PP): có tính bán trong suốt và bóng láng. PP rất trơ với các loại hóa chất và có khả năng chống sốc tốt ở nhiệt độ bình thường. Điểm đặc biệt là khả năng chịu uốn lặp đi lặp lại vì vậy nó thường được sử dụng để tạo các nút bật. Thường được sử dụng trong lọ cho các loại kem. – Polystyren (PS): có tính chất cứng chắc, trong suốt và bóng. PS dễ đút thành hình dạng khác nhau và giữ nguyên hình dạng đó khá tốt. Thường dùng để sản xuất compact và stick container. Nhược điểm: dễ bị hỏng bởi hóa chất và có khả năng chống sốc kém. – Acrylonitril styren copolymer (AS, SAN): có tính trong suốt, bóng và chống sốc cũng như chống dầu mỡ tốt nên AS thường được dùng để chứa các loại kem. – Acrylonitril butadien styren (ABS): ABS cải thiện khả năng chống sốc của SAN, do đó thường được dùng để chứa các thành phẩm nén (compact). Nhược điểm của ABS là kém bền khi tiếp xúc với nước hoa và alcol. ABS có thể được mạ để trông giống kim loại. -Polyvinyl chlorid (PVC): PVC có giá thành sản xuất thấp, trong suốt, dễ xử lý do đó được dùng rộng rãi. Tuy nhiên, vì PVC gây ô nhiễm môi trường khi thiêu hủy, nó dần bị cấm ở nhiều quốc gia. – Polyethylen terephthalat (PETP): có tính chất rắn chắc, bóng và trong suốt như kính. PETP có khả năng chống tác động từ ngoại cảnh tốt nên được dùng để chứa lotion, sữa tắm, nước súc miệng đòi hỏi chất lượng cao. – Các loại nhựa khác: như polyamid (PA), ethylen vinyl alcohol copolymer(EVOH) và polyoxymethylen (POM) có độ bền hóa học tốt và giúp ổn định nước hoa. Chúng thường được dùng chế tạo các bao bì đòi hỏi độ bền cao. 2. Thủy tinh – Thủy tinh Natri: thành phần gồm: silic oxyd, canxi oxyd, natri oxyd, một lượng nhỏ magie và nhôm oxyd. Màu sắc được tạo ra bằng cách pha trộn keo kim loại và oxyd kim loại. Thường được sử dụng để sản xuất chai thủy tinh trong suốt chứa lotion. – Thủy tinh kali: thành phần gồm: silic oxyd, chì oxyd và kali oxyd. Hàm lượng chì oxyd càng cao thì khả năng trong suốt cũng như chỉ số khúc xạ càng lớn. Thường được dùng để sản xuất chai đựng nước hoa cao cấp. – Thủy tinh đục: thành phần chứa các loại tinh thể không màu (natri silicofluorid). Những tinh thể này giúp phản chiếu ánh sáng làm kính có màu trắng đục. 3. Kim loại – Nhôm: vì nhôm nhẹ và dễ dàng gia công nên được sử dụng rộng rãi trong sản xuất lọ phun xịt và bao bì cho son môi, phấn trang điểm, mascara và chì kẻ… Nhôm thường được gia công bề mặt để trang trí và chống ăn mòn. – Đồng thau: là hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau được sử dụng phổ biến do hình dáng bên ngoài giống vàng và có tỷ trọng cao. Thường được dùng để sản xuất bao bì phấn trang điểm, son môi… – Thép và thép không gỉ: thép dễ bị gỉ sét, do đó nó phải được bao phủ hoặc tráng 1 lớp bao phủ bên ngoài. Khi kết hợp với crom và niken sẽ tăng khả năng chống ăn mòn của thép. Thường được dùng sản xuất bình xịt khí phun. IV. PHƯƠNG PHÁP SẢN XUẤT 1. Sản xuất bao bì từ nhựa Phương pháp sản xuất phụ thuộc vào tính chất nhựa: nhiệt rắn hay nhiệt dẽo. – Nén khuôn: là phương pháp điển hình được sử dụng cho nhựa nhiệt rắn. Nguyên liệu dạng bột hoặc hạt được đổ vào khuôn nóng, ở áp suất và nhiệt độ cao sau một thời gian cố định, thu được sản phẩm có hình dạng mong muốn theo khuôn. – Phun khuôn: dòng nhựa nóng chảy được phun ở tốc độ cao dưới áp lực lớn vào khuôn, để nguội đến nhiệt độ cố định. Sau một thời gian, mở khuôn và lấy thành phẩm. Phương pháp này thường được sử dụng sản xuất hộp đựng phấn trang điểm, mũ, nút chai… – Thổi khuôn: được sử dụng để tạo thành các bao bì rỗng như chai, lọ. + Đùn thổi: nhựa mềm nhiệt được đùn vào trong ống, sau đó ép vào khuôn, không khí được thổi vào để tạo hình dạng rỗng. Phương pháp này thường được sử dụng để sản xuất chai, lọ hẹp miệng. + Phun thổi: miệng và thândụng cụ được hình thành bằng cách phun khuôn; sản phẩm sau đó được đưa vào một khuôn thổi và không khí được thổi vào. Phương pháp này được sử dụng khi đường kính bên trong thânlớn hơn nhiều so với miệng. – Ép đùn: nhựa mềm nhiệt được đẩy từ một vòi phun tròn. Thân ống hai hoặc ba lớp có thể được hình thành bằng cách sử dụng vòi phun tăng gấp đôi hoặc gấp ba. – Nén chân không: chân không được đưa vào giữa tấm nhựa mềm nhiệt và khuôn. Sau đó tấm nhựa được nén vào khuôn để hình thành bao bì. Phương pháp này thường được sử dụng đề làm bao bì mỹ phẩm trang điểm. 2. Sản xuất bao bì từ thủy tinh – Thổi tạo hình: thủy tinh nóng chảy được đưa vào khuôn mẫu và không khí được thổi vàođể tạo ra các hình dạng mong muốn. Phương pháp này được sử dụng chủ yếu để sản xuất chai hẹp miệng. – Thổi và ép tạo hình: thủy tinh nóng chảy được ép vào khuôn đúc, để tạo độ dày đồng nhất và sau đó nó được chuyển vào khuôn thổi đề không khí thổi vào. – Ép tạo hình: thủy tinh nóng chảy được nạp vào một khoang và sau đó mộtlõi được ép từ trên xuống. Phương pháp này chỉ có thể được sử dụng để sản xuất lọ miệng rộng. 3. Sản xuất bao bì từ kim loại – Ép: trong phương pháp này, hình dạng cuối cùng đạt được khi tấm kim loại phẳng phải trải qua chuỗi quá trình nén ép bởi lõi và khoang. Thường được sử dụng để sản xuất các bao bì son môi và mascara. – Đập tạo hình: Phương pháp này sử dụng tính dẻo của nhôm để tạo hình dạng bao bì từ vật liệu dày dưới áp lực cao, va đập liên tục. Nó thường được sử dụng để sản xuất lọ phun xịt và ống nhôm. – Đúc khuôn: kim loại nóng chảy được đổ vào khuôn với hình dạng nhất định. Sau khi nguội, tháo khuôn ra thu đuộc bao bi có hình dạng mong muốn.