7 hóa chất độc hại thường có mặt trong mỹ phẩm Tháng Mười 13, 2017Tháng Mười 13, 2017RD PARABEN Paraben thường có mặt trong các sản phẩm make up, các sản phẩm dưỡng da, dầu gội đầu… được báo cáo là có khả năng làm rối loạn chức năng của hormone liên quan đến ung thư vú. Paraben được sử dụng rộng rãi hầu như với vai trò là chất bảo quản trong mỹ phẩm. Nó cũng được sử dụng như một thành phần nước hoa nhưng người tiêu dùng sẽ không tìm thấy chúng trong danh sách thành phần trên nhãn. Các công thức nước hoa thường phải giữ bí mật nên các nhà sản xuất không muốn thể hiện thành phần trên nhãn. Ước lượng khoảng 75-90% mỹ phẩm có chứa Paraben. Paraben dễ dàng hấp thu vào trong da và bị nghi ngờ là làm rối loạn chức năng của hocmon. Paraben có thể bắt chước giống với estrogen – một hocmon sinh dục nữ. Trong một nghiên cứu, paraben được tìm thấy trong mô của bệnh nhân ung thư vú, các câu hỏi được đặt ra là liệu có sự liên quan giữa các mỹ phẩm chứa paraben và bệnh ung thư. Paraben cũng gây ảnh hưởng lên chức năng sinh sản của nam giới. Thêm vào đó, một nghiên cứu khác chỉ ra rằng sử dụng methylparaben để chống lại tia UVB có thể làm tăng lão hóa da và phá hủy ADN. Paraben tự nhiên tồn tại với nồng độ thấp trong thức ăn, như lúa mạch, phúc bồn tử, vani, cà rốt và hành tím, trong khi paraben tổng hợp hóa học được chiết xuất từ các sản phẩm hóa dầu là nguồn được sử dụng trong mỹ phẩm. Paraben trong thức ăn sẽ được chuyển hóa sau khi ăn, làm giảm tác dụng của nó. Ngược lại paraben trong mỹ phẩm khi thoa lên da sẽ được hấp thu trực tiếp vào cơ thể bỏ qua quá trình chuyển hóa đi vào vòng tuần hoàn và các nội tạng. Người ta tính toán thấy mỗi phụ nữ có thể sử dụng đến 50mg paraben mỗi ngày từ mỹ phẩm. Nhiều nghiên cứu ra đời nhằm xác định nồng độ paraben an toàn cho cơ thể người. Các nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh Hoa Kỳ đã tìm thấy 4 loại paraben khác nhau trong mẫu nước tiểu của người mặc dù nồng độ trong mỹ phẩm sử dụng rất thấp. Hiện nay Liên minh Châu Âu là tổ chức có luật giới hạn nồng độ Paraben được sử dụng trong mỹ phẩm. Methylparaben, butylparaben và propylparaben là những paraben được sử dụng nhiều nhất trong mỹ phẩm. Một số chất khác cũng cùng nhóm có chữ paraben trong tên của chúng như isobutylparaben, ethylparaben… cũng được sử dụng. DEA, COCAMIDE DEA VÀ LAURAMIDE DEA DEA thường được sử dụng trong các sản phẩm dạng kem và tạo bọt như kem dưỡng ẩm, dầu gội đầu. Chất này có thể tác dụng với các thành phần khác tạo ra tác nhân gây ung thư tên là nitrosamine. Nó cũng là chất gây hại cho cá và môi trường tự nhiên. DEA và các chất cùng họ với nó thường được sử dụng để bào chế các sản phẩm dạng kem hoặc sủi bọt. DEA cũng có tác dụng như một chất cần bằng pH, trung hòa tính acid của các thành phần khác. DEA chủ yếu được tìm thấy trong các sản phẩm dưỡng ẩm và kem chống nắng, trong khi cocamide và lauramide DEA thường được tìm thấy trong xà phòng, sữa rửa mặt và dầu gội đầu. DEA và các hợp chất cùng nhóm có tác dụng làm dịu kích ứng da và mắt. Theo các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy tiếp xúc với những hóa chất này liều cao có thể gây ung thư gan và ảnh hưởng lên tuyến giáp. Liên minh Châu Âu phân loại DEA như một chất độc hại dựa vào tính gây tổn thương lên sức khỏe khi phơi nhiễm trong một thời gian dài. DEA có thể tác dụng với nitrit trong mỹ phẩm tạo thành nitrosamine – một chất mà hiệp hội ung thư thế giới liệt vào danh sách các chất có thể gây ung thư. Nitrit đôi khi được thêm vào sản phẩm với vai trò là chất chống ăn mòn. Một số chất bảo quản trong mỹ phẩm có thể sinh ra nitrit khi sản phẩm đó tiếp xúc với không khí. Việc sử dụng DEA trong mỹ phẩm không bị giới hạn tại Canada mặc dù nó được xếp vào loại hóa chất gây hại cho sức khỏe. Nitrosamin cũng được liệt vào danh sách các chất cấm sử dụng trong mỹ phẩm. Tuy nhiên, khi những chất này được xác định là chất bẩn (chất được tạo ra ngoài ý muốn trong quá trình sản xuất) thì luật cấm lại không được áp dụng. Cộng đồng kinh tế Châu Âu có quy định về giới hạn nồng độ được sử dụng cocamide và lauramid DEA trong mỹ phẩm. DIBUTYL PHTHALATE HAY DBP DBP thường tồn tại trong các sản phẩm chăm sóc móng và các loại xịt tóc. Độc tính của nó có thể tác động lên hệ thống sinh sản và có thể làm rối loạn chức năng của các hocmon. Chất này cũng gây hại cho cá và ô nhiễm môi trường. Dibutyl Phthalate hay DBP được sử dụng chính trong các sản phẩm chăm sóc móng với vai trò là một chất hòa tan các phẩm nhuộm và là chất tạo độ dẻo cho sản phẩm giúp cho sản phẩm khi dùng lên móng sẽ không bị khô cứng và vỡ. Phthalate trong các sản phẩm thường được dấu dưới tên “hương liệu”. Công thức của hương liệu được cân nhắc giữ bí mật nên nhiều nhà sản xuất yêu cầu không thể hiện các thành phần chi tiết đó trên nhãn sản phẩm. DBP cũng thường được sử dụng trong nhựa PVC để phục hồi tính đàn hồi cho chúng. DBP khi được hấp thu vào trong da nó làm tăng khả năng gây đột biến gen của các hoạt chất khác mặc dù nó không có khả năng tự gây đột biến gen. Những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy nguy cơ gây khuyết tật của chất này trên cơ thể người, ngoài ra còn làm thay đổi tinh hoàn, tuyến tiền liệt và làm giảm số lượng tinh trùng. Liên minh Châu Âu phân loại DBP vào nhóm các chất gây rối loạn hoạt động của endocrine dựa trên tác dụng của nó trên chức năng của hocmon, ngoài ra nó cũng là chất gây độc cho hệ thống sinh sản khi ảnh hưởng xấu lên bào thai và làm suy giảm khả năng sinh sản. Bộ y tế Canada ghi nhận các bằng chúng về việc các phthalate có thể gây ảnh hưởng lên gan và thận ở trẻ em khi sử dụng các sản phẩm có chứa phthalate như là kẹo mút và kẹo cao su trong một thời gian dài. Các nước cộng đồng liên minh Châu Âu phân loại DBP là một chất rất độc hại cho các sinh vật dưới nước. Bộ y tế Canada gần đây đã công bố cấm 6 loại phthalate trong đó có DBP trong các đồ chơi và các sản phẩm chăm sóc trẻ em bằng nhựa. Trong khi đó, các nước Châu Âu cấm cả trong mỹ phẩm và các sản phẩm trên. Một số phthalase khác được sử dụng như một thành phần hương liệu trong mỹ phẩm – cụ thể như diethyl phthalase (DEP). DEP bị nghi ngờ là ảnh hưởng lên chức năng của các hocmon, ảnh hưởng lên hệ thống sinh sản và nhiều vấn đề về sức khỏe khác. Các công thức nước hoa thường được các nhà sản xuất yêu cầu được giữ bí mật chính vì thế mà cách tốt nhất để tránh xa phthalate là đừng sử dụng các loại nước hoa không liệt kê các thành phần chi tiết. BHA (butylated hydroxynisole) và BHT (butylated hydroxytoluen) Hai chất này thường được sử dụng trong các sản phẩm dưỡng ẩm và trang điểm. Chúng có thể gây ung thư và ảnh hưởng lên chức năng của hocmon. BHA và BHT cũng gây hại cho cá và ô nhiễm môi trường. BHA và BHT là 2 chất chống oxy hóa tổng hợp được sử dụng như là chất bảo quản trong son môi, kem dưỡng ẩm và nhiều loại mỹ phẩm khác. Chúng cũng được sử dụng rộng rãi trong bảo quản thực phẩm. BHA và BHT có thể gây kích ứng da. Hiệp hội nghiên cứu về ung thư thế giới xếp BHA vào nhóm chất có thể gây ung thư. Tổ chức nghiên cứu về rối loạn hocmon Châu Âu cũng liệt kê BHA vào danh sách ưu tiên loại 1 dựa trên các bằng chứng về tác động trên chức năng của các hocmon. Phơi nhiễm thời gian dài với nồng độ cao BHT trên chuột có thể gây bệnh trên gan, thận, tuyến giáp, ảnh hưởng đến chức năng phổi và tuần hoàn máu. BHT có thể thúc đẩy tăng sinh các mô bất thường như mô ung thư. BHT có thể bắt chước estrogen – hocmon nữ tính gây suy giảm chức năng sinh sản ở nữ giới. Hiệp hội bảo vệ môi trường biển liệt BHT vào danh sách độc hại cho các sinh vật biển. Cộng đồng Châu Âu cấm sử dụng BHA như là một thành phần hương liệu trong mỹ phẩm. Bang California cũng yêu cầu cảnh báo trên nhãn sản phẩm có chứa BHA để người tiêu dùng lưu ý đến thành phần này có thể gây ung thư. THUỐC NHUỘM TỪ NHỰA THAN Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy P-Phenylenediamine trong các sản phẩm thuốc nhuộm tóc với ký hiệu “C.l” và theo sau là 5 chữ số tùy vào màu sắc. Những chất này có nguy cơ gây ung thư và có thể gây hại đến não do có chứa nhiều kim loại nặng mang độc tính. Các phẩm màu chiết xuất từ nhựa than được sử dụng rộng rãi trong mỹ phẩm, thường được nhận biết bởi các mã 5 chữ số. P-phenylenediamine là một thuốc nhuộm cụ thể được sử dụng trong nhiều sản phẩm nhuộm tóc. Các màu tóc càng đậm sẽ chứa càng nhiều phenylenediamine hơn là các màu nhạt. Nhựa than là một hỗn hợp nhiều chất hóa học được chiết xuất từ dầu hỏa, chúng tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư cao. Những phẩm màu này thường chứa một nồng độ kim loại nặng nhất định và một số có chứa các hợp chất của Nhôm. Các hợp chất của nhôm và nhiều kim loại nặng có thể gây hại cho não. Một số màu không được chấp thuận khi thêm vào thức ăn nhưng vẫn có thể cho vào mỹ phẩm do có thể ăn được điển hình nhu son môi. Trong danh sách màu của Mỹ, FD&C là chữ viết tắt cho những chất được FDA chấp thuận cho sử dụng trong thức ăn, thuốc và mỹ phẩm, còn D&C là ký hiệu của những màu không được chấp thuận sử dụng trong thức ăn. P-phenylenediamine có liên quan đến khối u trong các thí nghiệm được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ. Một báo cáo về dịch tể học cho thấy có sự liên quan giữa thuốc nhuộm tóc và sự phát triển của một vài loại ung thư mặc dù vẫn chưa đủ bằng chứng để kết luận thuốc nhuộm gây ra bệnh ung thư. Một nghiên cứu riêng khác phát hiện ra rằng những phụ nữ sử dụng thuốc nhuộm tóc đặc biệt là trong một thời gian dài có thể tăng nguy cơ bệnh ung thư hệ bạch huyết. Tuy nhiên, có một vài bằng chứng đối lập với những kết luận trên khi mà một số nghiên cứu khác cho thấy ko liên quan có ý nghĩa thống kê giữa thuốc nhuộm tóc và ung thư. Vì vậy, Hiệp hội nghiên cứu ung thư thế giới không phân loại thuốc nhuộm tóc vào danh sách các chất gây ung thư cho người. Liên minh Châu Âu phân loại P-phenylenediamine là một chất độc hại (khi tiếp xúc da, hít thở hoặc nuốt phải) và rất độc đối với môi trường nước và các sinh vật sống trong nước. NHỮNG CHẤT SINH RA FORMALDEHYDE Các chất này có thể là DMDM Hydantoin, Diazolidinyl urea, Imidazolidinyl urea, methenamine hoặc Quarternium-15 được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm dành cho tóc, các sản phẩm dưỡng ẩm… Các chất có thể sinh ra Formaldehyde này được sử dụng làm chất bảo quản rộng rãi trong sản xuất mỹ phẩm. Những ngành công nghiệp khác, formaldehyde cũng được sử dụng như trong sản xuất gỗ, nhựa dẻo, sợi chịu lực và hóa chất tẩy rửa toa-let. Trong khi formaldehyde tồn tại trong tự nhiên với nồng độ rất thấp thì ngành sản xuất công nghiệp lại tạo ra đến 21 triệu tấn một năm. Các thành phần này là mối quan tâm vì chúng rất chậm từ từ giải phóng ra Formaldehyde với một hàm lượng rất nhỏ, formaldehyde được trung tâm nghiên cứu ung thư Thế Giới xếp vào danh sách các chất có thể gây ung thư. Các ca ung thư do formaldehyde đều được ghi nhận là tác động qua đường hít. Khí formaldehyde thoát ra từ các sản phẩm gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí nên đang được quan tâm để có thể làm sao giảm thiểu được hàm lượng của nó. DMDM hydantoin và quaternium-15 cũng có thể gây kích ứng da và mắt ở nồng độ thấp. Formaldehyde là thành phần bị giới hạn trong mỹ phẩm tại Canada. Không được phép sử dụng hàm lượng quá 0,2% trong hầu hết các sản phẩm. Tuy nhiên, không có bất kỳ giới hạn nào cho các chất có thể sinh ra Formaldehyde như DMDM hydantoin, diazolidinyl urea, imidazolidinyl urea, methenamine, quarternium-15 và Natri hydromethylglycinate. Luật tại các nước Châu Âu có phần chặt chẽ hơn khi các sản phẩm có chứa các chất có thể sinh ra Formaldehyde sẽ phải dán nhãn “có chứa Formaldehyde” nếu hàm lượng của nó cao hơn 0,05%. Formaldehyde là một thành phần trong một số sản phẩm làm chắc móng tay. Bộ y tế Canada cho phép hàm lượng chất này trong các sản phẩm đó là 5%. Tosylamide/ nhựa formaldehyde sử dụng trong sơn móng tay được cho phép lượng formaldehyde dư đên 0,5%. CÁC MÙI HƯƠNG TỔNG HỢP Được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm dưới tên “các thành phần khác”. Hỗn hợp các chất này có thể gây kích ứng và lên cơn hen suyễn. Một số có thể gây ung thư hoặc ảnh hưởng lên hệ thần kinh. Một số khác có thể gây hại cho cá và môi trường nước. Được sử dụng để tạo ra một số mùi hương dễ chịu, các hương liệu tổng hợp được tạo ra từ rất nhiều chất hóa học khác nhau. Khoảng 3000 hóa chất được sử dụng để làm hương liệu. Hương liệu được sử dụng trong sản xuất nước hoa, chất khử mùi nhưng hầu hết các sản phẩm chăm sóc cá nhân đều sử dụng hương liệu. Kể cả những sản phẩm được dán nhãn là “không có hương liệu” vẫn có thể chứa hương liệu nhưng được ngăn tác động lên não bằng những cách bào chế khác nhau. Hơn thế nữa, ngoài việc gặp hương liệu trong mỹ phẩm, hương liệu còn xuất hiện trong các sản phẩm tiêu dùng xung quanh chúng ta như bột giặt, dầu xả, chất làm mềm hay chất tẩy rửa. Hàng ngàn các chất hóa học được sử dụng trong hương liệu hầu như không được kiểm tra qua độc tính dù là riêng lẻ hay kết hợp. Nhiều thành phần không được kể tên này có thể gây dị ứng, đau nửa đầu và hen suyễn. Một nghiên cứu về hen suyễn đã ghi nhận hương liệu có thể gây phát bệnh đến 75%. Cũng có thêm các bằng chứng khác cho thấy hương liệu có thể làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn và tăng nguy cơ phát bệnh này ở trẻ em.