10 điều thú vị về tóc có thể bạn chưa biết

Bên cạnh việc chăm sóc da thì dưỡng tóc luôn là một khía cạnh mà rất nhiều người quan tâm. Tóc xưa nay luôn là “cái gốc” của con người, để sở hữu một mái tóc bồng bềnh và óng đẹp, không ít chị em đã tốn rất nhiều chi phí cho các salon và những sản phẩm chăm sóc tóc. Quan tâm là vậy, nhưng không phải ai cũng hiểu hết về “nhân vật” này, cùng HOAHOCMYPHAM điểm qua 10 điều thú vị về tóc nhé!

  1. Tóc vốn đã “chết”: tóc cấu tạo từ những sợi chết, không dây thần kinh, không có máu nuôi và không có tế bào sống trong tóc, vì vậy chúng ta vốn không thể làm cho tóc khỏe mạnh hơn được.
  2. Tóc được cấu tạo chủ yếu từ keratin: tóc là protein được cấu thành từ các amino acid, cấu trúc của tóc khác hoàn toàn so với da hay móng dù những thành phần này cũng được cấu tạo từ keratin.
  3. Màu tóc là do melanin quy định: sắc tố melanin được sinh ra từ một số tế bào nằm trong nang lông được chuyển trực tiếp đến sợi tóc đang sinh trưởng, vì vậy melanin sẽ chịu trách nhiệm cho màu tóc tự nhiên của cơ thể. Pheomelanin làm cho tóc có màu đỏ hoặc vàng, còn eumelanin làm cho tóc có màu nâu hoặc đen.
  4. Tóc bạc là tóc không chứa melanin: khi lớn tuổi, tóc mới sinh ra sẽ không được “nhuộm màu” do quá trình sản sinh sắc tố bị suy giảm.
  5. Hình dáng sợi tóc phụ thuộc vào hình dạng của nang tóc sinh ra nó: tóc mọc lên từ một lỗ nhỏ trên da đầu được gọi là nang lông. Nang lông càng tròn thì sợi tóc sinh ra càng thẳng. Nang lông càng có hình elip thì tóc càng xoăn.
  6. Tóc có 3 cấu trúc chính là lớp cutin, phần vỏ cortex và phần tủy medulla: lớp cutin là phần nằm ở ngoài cùng của sợi tóc, gồm nhiều lớp xếp chồng lên nhau không hoàn toàn, tạo độ bóng mượt, suông mềm và dễ chải cho tóc. Những sản phẩm chăm sóc tóc chủ yếu tương tác với thành phần này. Phần vỏ cortex là cấu trúc bên trong của tóc quyết định độ bền chắc và linh hoạt cho tóc. Phần tủy medulla là phần lõi rỗng trong cùng và hiện nay vẫn chưa rõ được nhiệm vụ của nó.
  7. Vòng đời của tóc trải qua 3 giai đoạn: tăng trưởng (anagen) – chuyển tiếp (catagen) – thoái hóa (telogen): sự tăng trưởng giúp cho tóc mọc dài ra hơn, quá trình này có thể kéo dài từ 2-6 năm. Vào giai đoạn chuyển tiếp, tóc ngừng sinh trưởng và tách rời khỏi năng lông, quá trình có thể kéo dài trong 2 tuần. Thoái hóa là giai đoạn nghỉ của nang lông và kéo dài từ 1-4 tháng. Cuối pha này, tóc mới được sinh ra trên nang lông cũ, một chu trình mới được bắt đầu. Mỗi tháng tóc có thể dài thêm đến 0,5 inch.
  8. Đường kính sợi tóc thay đổi theo độ tuổi: tóc mảnh khi còn nhỏ và dày hơn ở người trưởng thành, sau đó lại mỏng đi và mịn hơn khi già. Độ dài tối đa của tóc cũng thay đổi, người lớn tuổi tóc ít mọc dài hơn.
  9. Liên kết S-S giữa protein của sợi tóc (từ protein cystein) tạo độ chắc khỏe cho tóc: những liên kết này sẽ bị phá hủy khi tóc xoăn được duỗi thẳng.
  10. Điểm tĩnh điện của tóc là ở khoảng pH 3,67: về lý thuyết tóc không thể có pH vì không phải dạng dung dịch, tuy nhiên thực tế cho thấy rằng bề mặt tóc sẽ tích điện âm khi tiếp xúc với dung dịch có pH cao hơn con số này, đó là lý do tại sao những thành phần cationic (tích điện dương) lại thường được sử dụng cho tóc hơn.

Xung quanh tóc còn rất nhiều điều thú vị mà bài viết chưa thể liệt kê hết. Hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn hiểu thêm về tóc cũng như giúp ích cho những nhà bào chế tương lai trên con đường tạo ra sản phẩm tối ưu nhất nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *